01/05/2015 10:08 GMT+7

​Chích thuốc an thần cho heo gây nguy hiểm cho người

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y dược TP.HCM)
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y dược TP.HCM)

TT - Gần đây, người ta còn tiêm thuốc an thần Prozil cho heo trước khi vận chuyển đến nơi giết mổ hoặc trước khi giết mổ.

Thời gian qua, báo chí đăng tin nhiều nơi có tình trạng sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa các chất được gọi là “hormone tăng trọng” hoặc “kích thích tăng trưởng” để gia cầm sinh sản nhiều, gia súc mau lớn.

Chẳng hạn một số loại thuốc như Clenbuterol hay Salbutamol (trị hen suyễn) đã được trộn vào thức ăn cho gà để gà đẻ nhiều trứng, hoặc cho heo ăn để tăng khối lượng cơ gọi là “siêu nạc”.

Gần đây, người ta còn tiêm thuốc an thần Prozil cho heo trước khi vận chuyển đến nơi giết mổ hoặc trước khi giết mổ. Prozil là tên biệt dược của acepromazine. Acepromazine có khi được viết là acetylpromazine, là một dược chất cách nay đã lâu được dùng làm thuốc cho người.

Vào những năm 1950, acepromazine dùng làm thuốc chống loạn thần trị bệnh tâm thần phân liệt (tức bệnh loạn trí). Nhưng sau đó acepromazine không dùng chữa bệnh cho người nữa mà chuyển sang dùng cho thuốc thú y.

Do tác dụng làm an dịu thần kinh nên acepromazine dùng làm thuốc an thần làm dịu, làm chó mèo hung dữ trở nên “đằm thắm” hơn, dễ thuần hóa hơn.

Khi dùng cho chó mèo, người ta vẫn phải rất thận trọng vì acepromazine có thể gây các phản ứng có hại, trong đó có tác dụng gây hạ huyết áp trầm trọng vì làm giãn mạch ngoại biên.

Đối với heo, Prozil được ngành thú y chỉ định dùng cho các trường hợp đặc biệt là heo nái quậy phá trong khi sinh, heo nái đẻ cắn con... chứ không dùng vào việc khác, đặc biệt không được dùng trước khi vận chuyển đến nơi giết mổ hoặc trước khi giết mổ.

Người ta dùng acepromazine an thần cho heo trước khi giết mổ vì nghĩ đây là thuốc được dùng trong thú y và an thần cho heo để heo không bị kích động, giãy giụa la hét trong quá trình vận chuyển đến lò mổ gây sụt cân làm giảm giá bán.

Hơn nữa, thuốc này lại có tác dụng phụ là làm cho thịt heo hồng tươi và dẻo dai nên đây cũng là lý do khiến nhiều lò mổ sử dụng bừa bãi, sai chỉ định.

Chích thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ là việc làm hết sức nguy hiểm, bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có khả năng tích lũy trong cơ thể sống và gây hại. Có rất nhiều thuốc khi tiêm cho heo thì ít nhất 14 ngày heo mới loại thải hết.

Theo quy định, sau thời gian này heo mới được giết mổ. Nếu giết mổ ngay thì người ăn thịt heo này sẽ nhiễm lượng tồn dư thuốc an thần trên trong thịt heo, nếu lâu ngày tích tụ trong người sẽ gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật.

Acepromazine được dùng an thần cho heo trước khi giết mổ chắc chắn tồn đọng lại trong thịt và người dùng thịt nhiễm thuốc sẽ bị nhiễm độc.

Điều đáng lo ngại hơn là người ta đã dùng liều lượng acepromazine như thế nào không thể kiểm soát được. Quá liều để thuốc trở thành chất độc là rất dễ xảy ra, đưa đến nguy hiểm thật sự cho sức khỏe người tiêu dùng.

Mong sao các cơ quan quản lý chức năng thực hiện tích cực và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình để những vụ việc như sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa các chất được gọi là “hormone tăng trọng”, dùng thuốc trị hen suyễn giúp nuôi heo thành “siêu nạc”, chích thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ không xảy ra nữa.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên