21/02/2019 15:10 GMT+7

Châu Âu xử lý công dân tham gia IS ra sao?

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Shamima Begum, một nữ sinh ở London bỏ nhà đến Syria để gia nhập lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) năm 2015, giờ đây có thể sẽ bị cấm cửa trở về Anh.

Châu Âu xử lý công dân tham gia IS ra sao? - Ảnh 1.

Cô Shamima Begum, 19 tuổi, bế trên tay bé trai mới sinh trong một trại tị nạn ở Syria nói với phóng viên cô khá sốc khi biết rằng mình bị tước quyền công dân Anh - Ảnh chụp màn hình ITV News/PA

Cô là một trong hàng ngàn người nước ngoài đã đến Iraq và Syria gia nhập IS. Các nước châu Âu sẽ phải xử lý thế nào với những công dân nhận ra lỗi lầm khi gia nhập IS và muốn tìm đường trở về quê hương?

Công dân 80 nước tham gia IS

Theo số liệu công bố năm 2018 của Trung tâm nghiên cứu về xu hướng cực đoan của Đại học King London, có khoảng 41.490 công dân quốc tế từ 80 quốc gia được cho là đã gia nhập IS ở Iraq và Syria trong giai đoạn từ tháng 4-2013 đến tháng 6-2018.

Phần lớn dữ liệu đầu vào của nghiên cứu trên lấy từ nguồn thông tin của chính phủ, một số khác từ các ấn bản giáo dục và báo chí uy tín. Theo đó, 3/4 những người nước ngoài tham gia IS là nam giới, 13% là phụ nữ và 12% là trẻ em. Ngoài ra, khoảng 730 trẻ được sinh ra tại Iraq hoặc Syria giữa các phụ nữ nước ngoài với các phiến quân IS.

Phần lớn người nước ngoài được chiêu mộ gia nhập IS đến từ các nước Trung Đông hoặc Bắc Phi (18.852 người). Tuy nhiên, 5.904 người từ các nước Tây Âu mà trong đó: Pháp có 1.910 người, Đức 960 người và Anh 850 người.

Theo nghiên cứu, các nước Tây Âu đã tiếp nhận 1.765 người trở về sau khi gia nhập IS. Cách xử lý căn cứ trên kết quả điều tra hình sự và đánh giá rủi ro. 

Người trở về phải tham gia chương trình cải tạo và tái hòa nhập trong hoặc ngoài nhà tù. Các biện pháp khác bao gồm hạn chế di chuyển hoặc không được cấp hộ chiếu để xuất ngoại. 

Đối với trẻ em được sinh ra ở Iraq hoặc Syria sau năm 2012, các nước có cách xử lý theo từng trường hợp cụ thể.

Mỗi nước mỗi cách

Không thể nói các nước châu Âu hào hứng đón nhận những công dân từng cống hiến tuổi xuân và máu của mình cho IS. 

Ông Sajid Javid, bộ trưởng nội vụ Anh, cho biết Anh có một loạt biện pháp để "ngăn chặn những người là mối đe dọa nghiêm trọng trở về Vương quốc Anh, như tước quyền công dân hoặc trục xuất".

Ở Anh, hầu hết những người trở về bị các nhân viên tình báo thẩm vấn để đánh giá về những rủi ro họ có thể gây ra và khả năng tái định cư an toàn. 

Trường hợp việc truy tố không mang lại lợi ích cho công chúng, họ sẽ được tham gia chương trình giáo dục với sự tư vấn và hỗ trợ thường xuyên cùng các nhà tâm lý.

Trong khi đó, không giống như các nước EU khác, Pháp đồng ý để công dân của mình bị truy tố về các tội ác ở khu vực miễn là họ được "xét xử công bằng", theo báo cáo của Nghị viện châu Âu.

Tại Đức, những người trở về sau khi gia nhập IS hầu như luôn bị điều tra hình sự, dù là nam hay nữ. Hình phạt tù ở Đức nặng hơn đáng kể so với các nước châu Âu khác, theo báo cáo của Viện quan hệ quốc tế hoàng gia năm 2018.

Tại Bỉ, những ai bị nghi gia nhập IS ở nước ngoài trở về sẽ bị bắt và khởi tố. Những người quá khích hoặc làm công tác tuyển mộ có thể bị giam ở các nhà tù đặc biệt, tách biệt với các tù nhân khác.

Nhân đạo nhất là Đan Mạch. Theo các chuyên gia tại Trung tâm quốc tế về chống khủng bố ở The Hague, người trở về sẽ làm việc với cố vấn đặc biệt, được tiếp cận việc làm, giáo dục, nhà ở, tư vấn tâm lý và chăm sóc y tế.

IS sắp lụi tàn?

Theo Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn, hiện IS chỉ còn kiểm soát một khu vực nhỏ bé khoảng 700m2 tại Syria. Trong số các tù binh bị bắt, một số được xác nhận là công dân các nước châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mất kiên nhẫn khi công bố trên Twitter của mình rằng: "Mỹ đề nghị Anh, Pháp, Đức và các đồng minh châu Âu khác nhận về hơn 800 tay súng IS mà chúng tôi đã bắt giữ tại Syria, và đưa các đối tượng này ra xét xử. Chúng tôi đã làm quá nhiều, đã chi quá nhiều. Giờ là lúc các nước khác phải tăng cường làm việc hơn nữa và làm công việc mà họ có thể làm".

Ông Trump Ông Trump 'cấm cửa' nữ công dân Mỹ từng gia nhập IS về nước

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cô Hoda Muthana - người phụ nữ Mỹ gia nhập và trở thành tuyên truyền viên cho lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) - sẽ không được chấp thuận trở về quê hương.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên