Nhân viên thu hoạch cà phê trái tại vườn NESCAFÉ Plan - Ảnh: TRẦN MẠNH
Để có những ly cà phê hương vị đồng nhất trên toàn thế giới, các công ty phải áp dụng nhiều kỹ thuật và ứng dụng công nghệ suốt quy trình sản xuất từ khâu chọn tạo giống, chăm sóc vườn cây, thu hái, chế biến sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Câu chuyện cà phê sạch và chất lượng cà phê, bởi vậy, bắt đầu từ những nông dân trồng cà phê.
1 chiếc lá tạo ra hàng nghìn cây cà phê
Các chuyên gia nông nghiệp dự báo đến năm 2020, hơn 70% diện tích cà phê ở Tây Nguyên sẽ bước vào giai đoạn già cỗi. Là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, tình trạng cây cà phê già cỗi trên diện rộng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của nông dân và nguồn cung của mặt hàng này ra thế giới.
Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Việc tái canh cà phê trên diện rộng, dù không dễ dàng và tốn kém, lại tạo ra cơ hội thay đổi cơ bản chất lượng cà phê so với hiện tại. Việc tái canh cây cà phê có thể đem lại giải pháp không chỉ cho nông dân mà cho cả ngành cà phê.
Đó là việc có thể ứng dụng một giống đồng nhất để tiện chăm sóc, trái cà phê sẽ chín đều và thu hoạch đều với chất lượng cao để đưa vào chế biến.
Chưa kể Tây Nguyên đang đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài do biến đổi khí hậu và thiếu nước tưới, cần có những giống cà phê mới thích ứng với các điều kiện trên thay vì các giống cà phê cũ không còn phù hợp.
Trong một căn phòng kín và vô trùng tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), các nhà khoa học đang tạo ra một giống cà phê mới bằng công nghệ nuôi cấy mô đáp ứng được những yêu cầu nói trên.
Công nghệ này cho phép từ 1cm² của một chiếc lá cây cà phê đáp ứng được các yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời lại cho chất lượng hạt cà phê thơm ngon, có thể tạo ra 2.000 cây giống cà phê trong khoảng hai năm nuôi cấy.
Đây là một phần trong sự kết hợp giữa WASI và Công ty Nestlé Việt Nam trong hơn 8 năm qua. WASI đã nghiên cứu và cho ra đời một số sản phẩm giống cà phê có khả năng chống chịu hạn hán, sử dụng nước tiết kiệm, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Nông dân có nhu cầu tái canh cây cà phê được Công ty Nestlé Việt Nam hỗ trợ 1.500 đồng/cây giống cà phê.
Ông Will Mackereth, giám đốc tổ chức phân phối và cung ứng Công ty Nestlé Việt Nam, cho biết là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng ngành cà phê Việt Nam đang gặp phải những vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài.
Đó là chất lượng cà phê còn hạn chế do các nông hộ làm cà phê phần lớn canh tác và thu hái theo phương pháp truyền thống, thiếu quy trình chuẩn cũng như áp dụng khoa học - kỹ thuật vào các khâu chăm sóc. Diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng, nguồn tài nguyên nước bị khai thác không hiệu quả gây lãng phí...
Đó là lý do dự án toàn cầu NESCAFÉ Plan ra đời nhằm hỗ trợ sản xuất và kinh doanh cà phê bền vững, với sự tham gia của đội ngũ hơn 200 chuyên gia nông nghiệp trên toàn cầu.
Suốt gần 8 năm qua, đội ngũ các chuyên gia nông nghiệp này đã gắn kết chặt chẽ với nông dân và sát cánh cùng đối tác quan trọng là WASI, góp phần thay đổi phương thức canh tác cà phê truyền thống bằng kỹ thuật tiên tiến thông qua NESCAFÉ Plan.
Kỹ thuật nuôi cấy mô để nhân giống cà phê chỉ là một phần trong chương trình này, bên cạnh đó còn có các kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tỉa cành, kỹ thuật thu hoạch cà phê chín và bảo quản sau thu hoạch... góp phần cải tạo diện tích cà phê già cỗi bằng hoạt động phân phối cây giống cho nông dân, cải thiện kinh tế cho các nông hộ, duy trì một môi trường canh tác bền vững để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu.
"Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao chất lượng hạt cà phê và đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới" - ông Will Mackereth cho biết.
Chất lượng bắt đầu từ nông dân
Theo ông Phạm Phú Ngọc - trưởng bộ phận hỗ trợ nông nghiệp Công ty Nestlé Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, dự án đã góp phần cải tạo 20.000ha diện tích cà phê già cỗi.
Trung bình mỗi năm công ty này mua 20 - 25% sản lượng cà phê Việt Nam để sản xuất trong nước và xuất khẩu, đồng thời đã tổ chức tập huấn và đào tạo cho hơn 200.000 lượt nông dân về canh tác bền vững, giúp hơn 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C, cung cấp hơn 27 triệu cây giống cho nông dân, nâng cao chất lượng và sản lượng cà phê, tăng 30% thu nhập cho nông dân, đồng thời giảm 40% lượng nước tưới, giảm 20% sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu trong canh tác cà phê.
Theo Bộ NN&PTNT, cà phê hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm nông lâm thủy sản nước ta với kim ngạch chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm này. Việt Nam có 3 nhóm sản phẩm xuất khẩu chính là cà phê nhân, cà phê rang xay (cà phê rang và cà phê bột), cà phê hòa tan (cà phê hòa tan nguyên chất và cà phê hòa tan phối trộn).
Ông Nguyễn Quốc Toản - quyền cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - cho biết bước đầu đã có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng giảm tỉ trọng xuất khẩu cà phê nhân, tăng tỉ trọng xuất khẩu cà phê hòa tan, cà phê rang xay. Trong vòng 4 năm qua, công suất chế biến cà phê hòa tan (bao gồm cả cà phê nguyên chất và cà phê hỗn hợp) tăng từ 150.000 tấn/năm lên trên 180.000 tấn/năm.
Cùng với quá trình đô thị hóa, thị hiếu tiêu dùng của người dùng cà phê đã có sự thay đổi đáng kể so với trước đây. Những loại cà phê mang tính tiện lợi đang dần được ưa thích so với cà phê pha phin truyền thống ở những nhóm khách hàng trẻ. Tất nhiên, tiện lợi không chỉ có nhanh, mà còn phải đi đôi với chất lượng.
Cà phê viên nén hút giới trẻ
Các trưởng nhóm nông dân trong phần thi thực hành thử nếm cà phê tại chung kết hội thi Nông dân sản xuất bền vững - Ảnh: TRẦN MẠNH
"Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung đầu tư vào công nghệ, dây chuyền mới, tiếp tục chế biến sâu cà phê Việt Nam, nâng cao giá trị hạt cà phê Việt trên thị trường thế giới.
Cùng với các sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê rang xay… công ty cũng đã đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm cà phê viên nén và bước đầu nhận được sự phản hồi tích cực của các khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ tuổi" - ông Will Mackereth nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận