08/11/2022 17:18 GMT+7

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Gần 1.000 thẩm phán đã nghỉ việc

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh việc xét xử các vụ án hình sự "bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Gần 1.000 thẩm phán đã nghỉ việc - Ảnh 1.

Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ năm 2022, các tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỉ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%).

"Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà nghị quyết Quốc hội đề ra là không quá 1,5%", ông Bình nói.

Ông Bình đặc biệt nhấn mạnh việc xét xử các vụ án hình sự "bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội".

Các tòa án xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.027 tỉ đồng và nhiều tài sản khác.

Các tòa án cũng đã đưa ra xét xử 188 vụ với 297 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch COVID-19.

Ông Bình cũng cho biết đội ngũ cán bộ tòa án các cấp tiếp tục được kiện toàn và nâng cao về chất lượng. Trong năm qua, chánh án tòa tối cao đã trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm 1.286 thẩm phán và miễn nhiệm với 10 thẩm phán.

Cạnh đó, đội ngũ hội thẩm hiện có hơn 16.700 người và về cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử.

"Việc phân công hội thẩm tham gia phiên tòa đảm bảo thống nhất, khoa học", ông Bình cho hay.

Hoạt động giám sát đối với thẩm phán được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức có hành vi vi phạm được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

Dù vậy, ông Bình cho biết hoạt động của các tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như tỉ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao; vẫn còn một số ít vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan.

"Một số cán bộ không chịu rèn luyện đã vi phạm pháp luật và kỷ luật công tác", ông Bình nói.

Phân tích nguyên nhân của các hạn chế, thiếu sót trên, ông Bình cho hay là do số lượng các loại vụ việc và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhanh và ngày càng phức tạp, trong khi đó số lượng thẩm phán, công chức chưa đủ nên áp lực công việc rất lớn.

"Số lượng các thẩm phán nghỉ việc cho đến nay là gần 1.000 người", ông Bình thông tin thêm.

Ngoài ra, một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với tòa án, chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định… nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính.

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, ông Bình nói sẽ tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức; kiện toàn đội ngũ công chức của các tòa án...

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết tình trạng UBND, chủ tịch UBND không đối thoại, không dự tòa hành chính, chậm cung cấp tài liệu diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho tòa và bức xúc cho đương sự.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Quy định thời hiệu 10 năm với kỷ luật cảnh cáo trở lên là phù hợp Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Quy định thời hiệu 10 năm với kỷ luật cảnh cáo trở lên là phù hợp

TTO - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay để bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng thì quy định thời hiệu 10 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên là phù hợp.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên