08/09/2019 13:57 GMT+7

Chẳng lẽ cứ tặc lưỡi cho qua

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Sau những dùng dằng trong cảnh báo, cuối cùng vụ cháy Công ty Rạng Đông được xác định để lại sự cố môi trường, gây hại sức khỏe.

Trong cuộc họp khẩn được tổ chức muộn màng sau vụ cháy hàng tuần, việc di dời nhà máy khỏi khu dân cư được chủ tịch Hà Nội đưa ra như một mệnh lệnh, ưu tiên hàng đầu. Nhưng ai cũng hiểu nói là như vậy nhưng việc di dời không dễ dàng.

Nhiều người vội vã sơ tán khỏi khu dân cư ô nhiễm, nhưng không ít người vẫn cam chịu sống sát vách nơi xảy ra sự cố. Sự bám trụ nơi sinh kế trong mối lo bất an thường trực có vẻ khó lý giải, nhưng xét đến cùng cũng chẳng phải chuyện xa lạ gì.

"Quả bom nổ chậm" ẩn họa đủ thứ an nguy đâu chỉ cá biệt vây người dân sống quanh Công ty Rạng Đông.

Có vị đại biểu Quốc hội đã liệt kê hàng loạt thứ gây ô nhiễm như tiếng ồn, khói bụi, nguy cơ cháy nổ và cho rằng "hình như chúng ta đang sống chung với tất cả những nguy cơ ấy".

Sống cạnh một cơ sở sang chiết gas trái phép, lỡ có chuyện gì ai lường được hậu họa? Kế bên nhà là một cơ sở sản xuất thép, hay hàn xì, ô nhiễm tiếng ồn và đầy bụi độc hại, mấy ai bận tâm...!

Cận kề thường xuyên với những hiểm họa mà nhịp sống vẫn cứ trôi qua bình yên. Chia sẻ về câu chuyện này, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng đó là nếp văn hóa không tốt.

Bởi theo quan sát của ông, thậm chí ngay cả khi nhà máy di dời đến nơi khác, vì sinh kế, lập tức khu dân cư mới lại mọc lên bên cạnh với vô vàn dịch vụ đáp ứng nhu cầu hàng ngàn công nhân đang sản xuất trong nhà máy.

Chẳng lẽ chúng ta dễ chịu đến mức thế nào cũng sống được chăng? Hay do "quen khổ", quen mức chuẩn quá thấp của cuộc sống nên thành ra "quen chịu", dễ dàng "tặc lưỡi cho qua"?

Hay chính người dân đang bất lực và bé nhỏ trước những nguy cơ ấy? Đáng lẽ hơn ai hết, người dân phải bảo vệ quyền được sống yên ổn và có chất lượng cho bản thân và gia đình.

Trước những mối nguy cận kề, chính người dân phải lên tiếng. Về lý là như vậy, nhưng thực tế thì sao? Tiếng nói ấy liệu có hồi đáp và hiệu quả không, hay lại rơi vào im lặng?

Thói quen của người dân không chỉ hình thành từ văn hóa, mà còn tùy thuộc vào cách ứng xử của chính quyền. Bao nhiêu cấp chính quyền nghe tiếng dân, xử lý đúng vấn đề?

Ngay trong vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, khi phường sốt sắng ra khuyến cáo về an toàn thì bị cấp trên tuýt còi, yêu cầu kiểm điểm, dù cho văn bản đó rất kịp thời và trách nhiệm.

Khi thể hiện thái độ trách nhiệm tốt lại chịu rủi ro bởi hệ thống hành chính vô cảm, thì liệu ai dám dấn thân, dám làm, dám chịu trách nhiệm?

Nhưng chúng ta không thể mãi "tặc lưỡi" cho xong. Người dân cần lên tiếng vì sự an lành của chính mình, chứ không thể cứ sống trong cảm giác bấp bênh với vô vàn bất trắc khó lường.

Tất nhiên, muốn vậy phải có cơ chế tiếp nhận. Cấp nào, vị trí nào không lắng nghe tiếng dân, không hành xử hợp với chức phận của mình, kịp thời đáp ứng nguyện vọng người dân phải bị trừng phạt. Phải như thế mới có nền hành chính hoàn thiện và vì dân.

Ngày đầu khám bệnh vụ cháy Công ty Rạng Đông: 52 người phải đi điều trị Ngày đầu khám bệnh vụ cháy Công ty Rạng Đông: 52 người phải đi điều trị

TTO - Hôm nay 6-9 là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện khám miễn phí cho người sống trong bán kính 500m từ hàng rào vụ cháy Công ty Rạng Đông. 179 người đã đến khám, 52 người được cho là có sự bất thường, được chuyển bệnh viện xét nghiệm và điều trị.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên