15/12/2016 15:00 GMT+7

​Chăm sóc sức khỏe răng miệng ở phụ nữ mang thai

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Mang thai ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cuộc sống và sức khỏe của người phụ nữ, trong đó có sức khỏe răng miệng.

Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có rất nhiều thay đổi và răng miệng không tránh khỏi những thay đổi đó.

Những thay đổi về răng miệng thường gặp ở phụ nữ mang thai

- Viêm nướu thai nghén

Thay đổi đầu tiên, đáng chú ý nhất ở răng miệng đó là do sự gia tăng của các hormone sinh dục nữ làm cho mô nướu trở nên nhạy cảm hơn dẫn đến bệnh viêm nướu thai nghén. 

Bệnh thường bắt đầu vào tháng thứ 2 của thai kỳ và cao điểm vào tháng thứ 7 và 8, thường hết sau khi sinh. 

Các triệu chứng của bệnh giống như viêm nướu bình thường nhưng thường nặng hơn. Nướu trông đỏ hơn, có khi xám xanh, dễ chảy máu khi có kích thích dù rất nhẹ như khi đánh răng. Trường hợp nặng, nướu có thể bị sưng phồng, chảy máu tự phát.

Viêm nướu nếu không được điều trị hoặc điều trị không thích hợp có thể tiến triển thành bệnh viêm nha chu, gây phá hủy mô nướu và các thành phần nâng đỡ răng khác làm răng lung lay, di chuyển, có thể gây mất răng. Ngoài ra, vi khuẩn và độc tố vi khuẩn gây bệnh có thể đi vào tuần hoàn máu gây nhiễm khuẩn huyết và làm gia tăng nguy cơ sinh non.

Một số chị em cho rằng, khi bị chảy máu nướu thì không nên tiếp tục đánh răng bằng bàn chải. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Chị em vẫn phải tiếp tục duy trì việc đánh răng hàng ngày ít nhất 2 lần, mỗi lần ít nhất 2 phút và sử dụng bàn chải lông mềm, động tác nhẹ nhàng, kết hợp với dùng chỉ nha khoa, súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng hoặc các loại nước súc miệng kháng khuẩn có bán sẵn trên thị trường… và nên đến các cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt để được khám, tư vấn và điều trị.

- U nướu do thai nghén

Một tình trạng bệnh có thể gặp ở mô nướu của phụ nữ mang thai đó là u nướu do thai nghén, thường xuất hiện sau tháng thứ 3 của thai kỳ nhưng cũng có thể sớm hơn với tỉ lệ 1,8- 5%. 

U nướu do thai nghén thường ở mặt ngoài của nướu, có dạng cây nấm, có màu đỏ sậm hoặc đỏ tươi, không gây đau nhức trừ khi va chạm hay loét do ăn nhai. Sau khi sinh, khối u nhỏ dần rồi biến mất. Nếu sau khi sinh, khối u không biến mất hoặc trong thời gian mang thai, khối u quá lớn gây khó khăn cho việc ăn nhai thì phải tiến hành phẫu thuật, nhưng việc phẫu thuật chỉ nên tiến hành vào 3 tháng giữa của thai kỳ.

- Gây hại men răng, mòn răng

Trong những tháng đầu của thai kỳ, hầu hết chị em đều bị nghén gây nôn và tình trạng trào ngược dạ dày trong những tháng cuối của thai kỳ làm tăng lượng axit trong khoang miệng. 

Ngoài ra, việc thay đổi chế độ ăn: ăn nhiều bữa phụ, thèm ăn một số loại thức ăn đặc biệt như bánh, kẹo, mía,… cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, làm gia tăng nguy cơ mòn răng và sâu răng.

Để giảm thiểu nguy cơ này, chị em không nên đánh răng ngay sau khi nôn vì lúc này răng đang được bao phủ bởi 1 lớp axit dạ dày, việc đánh răng sẽ gây mòn men răng. Chị em nên súc miệng bằng nước lọc hoặc hỗn hợp natribicarbonat và nước để trung hòa lượng axit dạ dày có trong khoang miệng.

Việc đánh răng chỉ nên tiến hành 1 tiếng sau khi nôn và để tránh cảm giác buồn nôn khi đánh răng, chị em nên sử dụng kem đánh răng có mùi dễ chịu và bàn chải đầu nhỏ. 

Chị em nên chọn những loại thức ăn có hàm lượng đường thấp như phô mai, hoa quả tươi, hạn chế những thức ăn có đường như bánh kẹo, hoa quả sấy khô, nước ngọt, súc miệng bằng nước và đánh răng sau khi ăn đồ ngọt. Đặc biệt, trong chế độ ăn hàng ngày cần phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng nhất là canxi và các vitamin. Một chế độ ăn đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng không những giúp thai nhi phát triển tốt mà còn giúp bảo vệ và tăng cường sức khỏe răng miệng.

Những lưu ý cần thiết

Mang thai không phải là lý do để chị em từ chối hay trì hoãn việc chăm sóc răng miệng. Chăm sóc răng miệng đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mang thai vì lúc này răng và nướu của người phụ nữ nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng hơn bình thường, hơn nữa các bệnh răng miệng trong thời gian này thường nặng hơn và có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Cách tốt nhất để có sức khỏe răng miệng thật tốt trong thời gian mang thai đó là chị em hãy đến găp nha sĩ của mình trước khi mang thai để được khám, tư vấn và điều trị triệt để những vấn đề răng miệng đang tồn tại.

Trong thời gian mang thai, 3 tháng giữa thai kỳ là thời gian tốt nhất để tiến hành các can thiệp nha khoa. Nên tránh tối đa các can thiệp nha khoa vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, một số điều trị khẩn có thể tiến hành vào khoảng thời gian này nhằm làm giảm đau đớn và ngăn ngừa sự nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. 

Chị em phải thông báo cho bác sĩ biết chị em đang mang thai và hiện ở tuần thứ mấy của thai kỳ, các loại thuốc đang dùng và những điều trị đã và đang tiến hành khi đi khám răng miệng. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc mà phải có chỉ định của bác sĩ. Các điều trị về thẩm mỹ như tẩy trắng răng, làm răng giả nên trì hoãn sau sinh.

Sức khỏe răng miệng là một phần quan trọng của sức khỏe nói chung và cần được duy trì trong thời gian mang thai của người phụ nữ. Hãy vệ sinh răng miệng thật tốt và khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để có thể mỉm cười suốt 9 tháng thai kỳ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên