09/07/2018 08:52 GMT+7

Cha mẹ nuôi con không quản nhọc nhằn

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Cả hai nữ sinh cùng ở quận 10 (TP.HCM) gia cảnh lại hết sức khó khăn. Hai bạn đều có chung suy nghĩ phải cố gắng học để không phải vất vả như ba mẹ mình.

Cha mẹ nuôi con không quản nhọc nhằn - Ảnh 1.

Nữ sinh Huỳnh Thảo Nhi, làm công việc nhà - Ảnh: K.ANH

Đi phụ quán để kiếm thêm tiền đóng học phí

Cơn mưa to chiều hôm ấy khiến cô nữ sinh Huỳnh Thảo Nhi 16 tuổi từ chỗ làm thêm về đến nhà đã ướt sũng, trong bụng lại trống rỗng. "Em đi phụ quán cơm từ 10h đến 14h là xong ca. Nhưng nếu muốn ăn cơm của chủ quán cho những người phục vụ, phải ở lại hơn nửa tiếng nữa, để mọi người mới dọn dẹp xong các khâu. Em thường xuyên đi về để nghỉ ngơi và phụ bà nội ít việc trong nhà", Nhi cho hay.

Căn nhà nhỏ xíu của gia đình Nhi nằm tận cùng trong con hẻm 322b đường Vĩnh Viễn (Q.10, TP.HCM). Đón cô cháu gái vừa đi phụ quán về chỉ có bà nội già yếu ngoài 80 tuổi.

"Con lau người thay đồ rồi vô ăn cơm đi, chắc mưa vầy đói bụng rồi" - bà Nguyễn Thị Nho nói với cô cháu gái duy nhất. Bà có hai người con thì chỉ mỗi mình ba của Nhi lập gia đình khá muộn, nên cũng chỉ có mỗi Nhi là cháu trong nhà. Còn người chú của Nhi bị tâm thần nên cũng phụ thuộc vào ba mẹ Nhi và bà nội chăm lo.

Hơn một năm nay, từ ngày Nhi vào lớp 10, cô nữ sinh trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An đã biết tự tìm việc làm thêm buổi tối, để có thêm nguồn thu nhập để trang trải thêm học phí và chi tiêu cá nhân.

Ba của Nhi là chú Huỳnh Văn Còn đã 60 tuổi, chạy xe ôm, còn mẹ cũng đi phụ quán cơm mỗi tháng được hơn 1 triệu đồng, mà lại phải ở bên Q.6 để chăm bà ngoại bệnh liệt một chỗ mấy năm nay.

Tất cả chi phí trong nhà chỉ trông chờ vào những cuốc xe ôm của ba, nên ngay từ nhỏ Nhi đã rất hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Nhiều hôm cô bé tự đi bộ từ trường về nhà nếu đứng chờ mà không thấy ba đến đón.

"Hôm nào thấy ba không đến đón em lại không thấy buồn vì biết là ba có khách. Đâu dễ tìm được một chuyến xe. Gần đây, ba còn khó khăn hơn vì xe ôm thời công nghệ đang thịnh hành, còn ba em thì chỉ ngồi chờ đón khách tại một bệnh viện gần nhà mà thôi" - Nhi chia sẻ.

Năm nay, Nhi lên lớp 11 và cũng ấp ủ dự định khi tốt nghiệp THPT sẽ vào một trường đại học để mai này có công việc ổn định. "Em chỉ mong mình có một việc làm để tự nuôi bản thân và phụ giúp bà nội và ba mẹ khi về già" - Nhi cho biết.

Việc học của Nhi hoàn toàn không để ba phải nhắc nhở, em cũng không có điều kiện để học thêm. Bài nào khó hiểu, em hỏi bạn bè. Kết quả học của em luôn ở mức khá, tiên tiến trong lớp. Cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Quế Lâm nhận xét cuối năm học qua cho bạn là: "Chăm, ngoan, có nhiều tiến bộ trong học tập và rèn luyện".

Cha mẹ nuôi con không quản nhọc nhằn - Ảnh 2.

Nữ sinh Huỳnh Thảo Nhi - Ảnh: K.ANH

Người mẹ lượm ve chai nuôi ước mơ cho con

Phía trước cửa căn nhà nhỏ xíu cuối hẻm 594 Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM) là một đống ve chai to đùng mà bà Nguyễn Thị Nở, 56 tuổi nhặt về trong mấy ngày qua. Do người mua ve chai mấy hôm đi vắng, cô Nở vẫn chưa bán được, như thế nghĩa là cuộc sống hai mẹ con cũng chật vật. Nhà chỉ có hai mẹ con đùm bọc nhau, vậy mà người mẹ phải chật vật lắm mới lo nổi cho cô con gái Nguyễn Thị Nga năm nay vào lớp 8.

Người mẹ quê khắc khổ có một cục bướu to bằng quả trứng gà ngay cổ cứ chạy lên chạy xuống mỗi khi thở hay nói chuyện. Tiền học, tiền ăn và tiền thuốc men khiến người mẹ vất và còm nhom và cô con gái cũng bé xíu.

Cha mẹ nuôi con không quản nhọc nhằn - Ảnh 3.

Mẹ con cô Nguyễn Thị Nở và Nguyễn Thị Nga trong căn nhà nhỏ - Ảnh: K.ANH

Có được bé Nga, cô nâng niu và giành trọn tình thương yêu cho con gái. Lớn tuổi, cô không thể đi phụ việc nhà cho người ta mà đi rửa chén thuê cho một quán ăn, chiều chiều đi mót ve chai. "Tôi có bệnh bướu cổ nên uống thuốc mỗi ngày để gắng gượng đi làm, kiếm ít tiền tằn tiện nuôi con. Mong cho nó khôn lớn có ăn có học, đời nó sẽ bớt khổ", cô Nở tâm sự.

Còn nhỏ, Nga chưa phụ giúp gì cho mẹ nhiều, cô bé cũng chỉ biết học thật tốt để mẹ vui khi mỗi lần về khoe mẹ điểm 9, điểm 10. Cuối năm học lớp 7 vừa qua, Nga được cô chủ nhiệm Nguyễn Vân Hằng ghi rõ: "Ngoan, có cố gắng để duy trì kết quả học tập. Chúc em năm mới nỗ lực đạt giỏi nhé!".

Cha mẹ nuôi con không quản nhọc nhằn - Ảnh 4.

Nữ sinh Nguyễn Thị Nga học bài trong căn nhà chật chội - Ảnh: K.ANH

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Lo phải nghỉ học vì nhà quá nghèo Lo phải nghỉ học vì nhà quá nghèo

TTO - Bà nội nói cố lắm chỉ lo được một năm học nữa, cô học trò Nguyễn Thị Phụng (lớp 9, TP.HCM) lặng thinh nghĩ về tương lai mù mịt của mình

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đèn đom đóm