21/07/2011 23:12 GMT+7

Cha, con và 150 triệu đồng

CHI MAI
CHI MAI

TTO - Phiên tòa diễn ra vào buổi chiều 20-7 tại TAND quận Bình Tân, TP.HCM. Cái nóng hầm hập của thời tiết hè tháng 7 ngoài trời xem ra cũng chưa bằng cái nóng mà nhiều người tham dự cảm nhận tại phiên tòa này.

uqdUJO3r.jpgPhóng to
Ảnh minh họa
Hai đương sự (một bên là cha vợ, bên là con rể) mỗi người ngồi một đầu của băng ghế. Khoảng cách giữa họ chỉ hơn 1m mà thấy như thật xa. Người cha già với dáng người gầy, đen là nguyên đơn. Người con rể tầm trên 30 tuổi là bị đơn.

Còn cô con gái có dáng người mảnh dẻ, trắng trẻo ngồi ngay phía sau lưng chồng và cha ruột của mình, cũng là chứng nhân quan trọng của cuộc đôi co về khoản vay nợ 150 triệu đồng.

Con: “đã trả”, cha: “chưa nhận”

Nguyên đơn, ông L.H.D, ngụ huyện Hóc Môn trình bày ông có cho con rể là anh Đ.C.T vay số tiền 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn đứng ra vay dùm một người bạn 100 triệu đồng để con rể làm ăn. Lúc vay, anh T hứa sẽ trả lãi 3%/tháng để ông thuốc thang và dưỡng già. Nhưng kể từ tháng 10-2009 đến nay, ông chỉ nhận được đúng một tháng tiền lãi là 4,5 triệu đồng.

Nói với Tòa, giọng ông D vẻ ngậm ngùi: “Tôi nghĩ tình cha con với nhau, thấy con cần vốn làm ăn thì cho mượn. Ai ngờ tụi nó cứ cù cưa hoài không trả, sau đó thì lánh mặt luôn. Buộc lòng tôi phải kiện ra tòa. Giờ phải đứng đây, tôi cũng rất buồn…”

Để làm bằng chứng cho việc đòi nợ của mình, ông già đưa ra tòa một tờ giấy viết tay, trong đó con rể viết nợ ông 174 triệu đồng. Ông D nói thực ra chỉ có 150 triệu đồng là tiền gốc, còn 24 triệu đồng là tiền lãi nhưng ông vẫn đề nghị tòa buộc con rể phải trả đủ 174 triệu đồng như giấy nợ.

Tòa hỏi ông D đòi ai trả nợ, con rể hay con gái? Ông D đáp: “Tôi cho con rể vay thì đòi nó, chứ con gái tôi nó hỗn hào, tôi không cho nó vay mượn đồng nào hết!”.

Bị đơn, người con rể nói với tòa bằng giọng cay đắng: “Tôi không ngờ cha con với nhau mà ông ấy lại đối xử với tôi như thế. Thực sự là tôi có vay của ông D hai lần. Lần thứ nhất là 50 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng. Sau đó tôi hỏi vay thêm 100 triệu đồng nữa. Ông D nói vay dùm người bạn cho tôi, lãi suất 6%/tháng. Kể từ lúc vay tôi đã trả lãi đều đặn mỗi tháng là 8 triệu đồng, chứ không phải chỉ trả có một tháng tiền lãi như ông D nói. Đến cuối năm 2010, tôi làm ăn thất bại, bị lừa mất sạch tiền nên mất mấy tháng không trả được tiền lãi cho ổng …”

Anh T nhận cái giấy nợ đó chính tay anh viết, lúc đó tình cảm cha con vẫn còn tốt. Nhân buổi đến nhà ông D ăn cơm, ông D nhắc nợ và nói anh nếu hứa trả thì phải viết cam kết cho ông.

“Lúc đó tôi đâu nghĩ gì, mới hỏi giờ cha muốn con viết bao nhiêu? Ông D nói 150 triệu tiền gốc và 24 triệu tiền lãi nên tôi viết chung là nợ ông 174 triệu đồng. Sau đó, ông D đòi dữ quá, tôi mới mượn tiền của cha mẹ mình để đem trả”, anh T nói với Tòa.

Tòa hỏi thời điểm trả tiền lúc nào? Anh T đáp trả khoảng cuối năm 2010. Anh cùng vợ đến tận nhà của ông D để trả. Lúc trả, anh không nghĩ gì đến tờ giấy nợ đã viết nên không lấy lại.

Người cha lắng nghe con rể trả lời, rồi lắc đầu nguầy nguậy. Khi được Tòa hỏi: “Xạo đó, nó nói xạo quá trời! Ngoài 4,5 triệu tiền lãi tháng đầu tiên đến nay, tôi không nhận được một xu, một cắc nào của nó cả. Tiền lãi còn chưa trả nói chi đến tiền gốc. Tôi khẳng định là đến nay nó vẫn chưa trả tôi đồng nào hết. 150 triệu đồng chứ đâu ít, nói trả thì phải trưng ra giấy tờ pháp lý gì chứ?”.

Người con gái (chị O), vợ anh T từ đầu phiên tòa đến giờ cứ nhấp nhỏm, luôn miệng nhắc chồng về những tình huống vay mượn tiền, nghe ông nói thế như đã không kìm được tức giận, gay gắt nói với lên:

“Xin tòa cho thẩm vấn tôi để tôi trả lời. Tôi là nhân chứng của vụ này từ đầu đến cuối. Tôi đã cùng chồng đem tiền đến tận nhà ông D để trả. Tiền lãi hàng tháng cũng do tôi trả. Do nhà tôi ở Bình Tân, còn ông D ở Hóc Môn nên có tháng nào gặp thì tôi đưa tiền tận tay ông, tháng không gặp thì gửi cho cô Sáu, cô ruột của tôi để đưa cho ba. Giờ ra đây ông nói vậy thật ngang ngược…”.

Chủ tọa nhiều lần nhắc chị bình tĩnh, giữ trật tự, khi nào tòa hỏi mới được trả lời.

Cứ thế, một bên là cha, bên kia là con rể và con gái tranh nhau đưa ra những chứng cứ để bảo vệ cho lý lẽ của mình. Anh con rể còn đưa đến Tòa cả băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa vợ anh với ông D, mở to cho mọi người nghe để chứng minh rằng riêng việc ông D nói không nhận đồng tiền lãi nào đã là nói dối. 24 triệu đồng chính là tiền lãi của 3 tháng cuối mà anh chưa kịp trả nên mới phải viết giấy nhận nợ.

Nếu không biết từ trước mà chỉ nghe cách xưng hô lạnh lùng, tranh luận gay gắt giữa họ với nhau, khó ai ngờ được họ là cha con với nhau. Vị hội thẩm lớn tuổi lắng nghe thật chăm chú rồi chép miệng “cha con với nhau, vậy mà…”.

Dứt tình

Giờ nghị án, người con rể ra ngoài hành lang, lặng lẽ quay lưng lại phòng xử. Người cha vẫn ngồi im trên băng ghế đương sự, không quay đầu lại, cũng không phản ứng gì dù nghe rõ tiếng con gái ngồi phía sau đang trút những lời trách móc nặng nề về phía mình.

Mắt ngấn lệ, người con gái phân trần: “Tôi không hiểu cha tôi làm vậy để làm gì? Tiền thôi mà, có nhiều rồi xài cũng hết, sao lại đối xử tệ với con cái như thế? Vợ chồng tôi thua lỗ cả tỉ bạc, phải chạy vạy, vay mượn hết chỗ này đến chỗ kia mà trả nợ cho người ta. Cha mẹ chồng cũng thương tình mà cho mấy trăm triệu để đỡ nợ cho chúng tôi. Cha mẹ người ta lo cho con cái còn chưa hết, đằng này, cha ruột của mình thì kiện chồng mình ra tòa đòi nợ”.

Chưa thôi bức xúc, chị nói lớn, như muốn để cha mình nghe: “Không biết khi làm thế này cha tôi có nghĩ đến hạnh phúc của con gái hay không? Cô cũng kể ba mẹ cô bỏ nhau từ khi cô mới hai tuổi. Từ nhỏ cha con đã chẳng nhìn nhau. Đến khi cô lập gia đình, có con nên cũng muốn cho con có ông có bà mà nhận cha con. Sau mẹ cô, cha cô có rất nhiều người phụ nữ khác nhưng cũng chẳng yêu thương ai lâu. Người phụ nữ mới nhất của ông là cô gái trẻ theo ông đến phiên tòa này, còn thua cả tuổi cô.

Nghị án xong. Tòa cho rằng ông D thì có giấy tờ về việc vay nợ, còn anh T thì nói đã trả nhưng không có bằng chứng gì. Kể cả người nhận tiền lãi hàng tháng để chuyển cho ông D là cô Sáu cũng không chịu làm nhân chứng tại tòa nên tòa không có cơ sở để xem xét.

Tòa tuyên buộc anh T phải trả lại tiền gốc 150 triệu, trừ đi 4,5 triệu đồng đã trả (tòa không chấp nhận lời của ông D rằng đó là tiền lãi vì trong giấy không thỏa thuận về điều này) nên anh T phải trả cho ông D là 145,5 triệu đồng.

Bản án của Tòa chỉ dựa trên chứng cứ của hai bên cung cấp. Còn sự thực thế nào, người cha đã lấy lại số tiền đó hay chưa? Chắc chỉ có cha con họ biết với nhau. Tòa vừa dứt lời, vợ chồng người con gái bước nhanh ra khỏi phòng xử, như không muốn nhìn mặt người cha.

Ông D vẫn ngồi lại thật lâu trên hàng ghế nguyên đơn rồi mới cùng cô vợ trẻ ra về. Ngang qua hàng lang nơi con gái còn đang đứng lại, ông lẳng lặng lách người đi thẳng. Ánh mắt không một lần nhìn con.

Hành lang hẹp, vai họ có chạm nhẹ vào nhau nhưng cả hai đều chẳng buồn bận tâm, lờ đi như không có. Người con gái cho biết cô sẽ tiếp tục kháng cáo và sẽ nhờ cô Sáu cùng một số người khác ra tòa làm chứng về việc đã trả lãi, trả nợ của mình.

Người cha sau một hồi ngập ngừng, từ chối trao đổi với chúng tôi cũng nói sẽ “cân nhắc”, có thể cũng sẽ kháng cáo vì Tòa mới tuyên trả cho ông phần tiền gốc mà chưa nói đến phần lãi.

Nắng chiều đã bớt gay gắt, có chút gió lao xao trong sân tòa vắng vẻ, hầu như chỉ còn các đương sự trong vụ án này. Cô con gái bước lên xe mà người chồng đã lấy chờ sẵn rồi đi thẳng, không quên ném ánh nhìn giận dữ về phía cô gái trẻ đang lẽo đẽo đi sau cha của mình. Người cha già cũng chở cô gái trẻ đi khuất, còn nghe vẳng lại câu nói của ông với cô gái: “Lấy được tiền, anh sẽ cho em!”.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên