09/12/2023 18:18 GMT+7

Cây kơ nia cổ thụ 1.230 tuổi trong rừng Mã Đà được công nhận Cây di sản Việt Nam

Trong số 162 cây cổ thụ trong rừng Mã Đà vừa được công nhận Cây di sản Việt Nam có "cụ" cây kơ nia khoảng 1.230 tuổi.

Bình Phước long trọng tổ chức lễ công nhận quần thể 162 Cây di sản Việt Nam trong rừng Mã Đà - Ảnh: NAM HÀ

Bình Phước long trọng tổ chức lễ công nhận quần thể 162 Cây di sản Việt Nam trong rừng Mã Đà - Ảnh: NAM HÀ

Ngày 9-12, UBND huyện Đồng Phú (Bình Phước) phối hợp Tập đoàn Trường Tươi và các đơn vị liên quan tổ chức công nhận quần thể 162 Cây di sản Việt Nam tại tiểu khu 379, rừng Mã Đà.

Buổi lễ nhằm tôn vinh những giá trị của quần thể Cây di sản Việt Nam tại rừng Mã Đà (xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú), lan tỏa niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn di sản đến các tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, ghi nhận những đóng góp của các cá nhân, tổ chức, những người cựu chiến binh đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng.

Tiến sĩ Trần Văn Miều, phó chủ tịch Hội Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường Việt Nam, cho biết sau 14 năm nghiên cứu, đánh giá và xét duyệt hồ sơ, 162 cây cổ thụ tại tiểu khu 379 được cho là quần thể Cây di sản lớn nhất.

Theo đó, quần thể 162 cây cổ thụ được công nhận Cây di sản thuộc 15 loài gồm: bằng lăng, bình linh, chiêu liêu, gõ mật, tung, cây ươi, kơ nia…

Trong đó, có 117 cây trên 500 tuổi, 18 cây trên 900 tuổi, 7 cây trên 1.000 tuổi, đặc biệt cây kơ nia cổ thụ khoảng 1.230 tuổi.

Các đại biểu tham quan, chụp lưu niệm ở quần thể 162 Cây di sản Việt Nam tại tiểu khu 379, rừng Mã Đà, nơi có cây kơ nia 1.230 tuổi - Ảnh: AN BÌNH

Các đại biểu tham quan, chụp lưu niệm ở quần thể 162 Cây di sản Việt Nam tại tiểu khu 379, rừng Mã Đà, nơi có cây kơ nia 1.230 tuổi - Ảnh: AN BÌNH

Bà Trần Tuệ Hiền, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết 162 cây cổ thụ tại tiểu khu 379 được công nhận quần thể Cây di sản Việt Nam không những tôn thêm giá trị lịch sử, văn hóa vốn có mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Qua đó, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường tại khu vực rừng Mã Đà, đóng góp vào công tác bảo tồn và bảo vệ quần thể Cây Di sản chung của cả nước, cũng như công tác quản lý bảo vệ rừng.

Bà Hiền đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, chủ rừng và người dân cùng bảo vệ quần thể Cây di sản; quảng bá rộng rãi sự phong phú, đa dạng và giá trị khoa học của hệ thực vật đến công chúng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu; tạo nguồn thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái; nghiên cứu và trở thành điểm đến của lịch sử, văn hóa cho hôm nay và mai sau.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, bà Trần Tuệ Hiền đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Phạm Công Trường - hội viên Hội Cựu chiến binh phường Tân Bình (TP Đồng Xoài) - do có nhiều đóng góp cho công tác gìn giữ, bảo vệ rừng và các hoạt động thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa.

Ông Phạm Hương Sơn thừa ủy quyền của ông Phạm Công Trường nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước - Ảnh: NAM HÀ

Ông Phạm Hương Sơn thừa ủy quyền của ông Phạm Công Trường nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước - Ảnh: NAM HÀ

Ông Trường cùng vợ là người sáng lập Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ B58. Công ty đã tập hợp các cựu chiến binh, cựu quân nhân và con em của họ để bảo vệ nghiêm ngặt hơn 512ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 379, rừng Mã Đà.

Nhờ đó mà quần thể cây cổ thụ, trong đó có cây kơ nia đã đi vào hồn cốt văn hóa dân tộc, đã được bảo vệ nghiêm ngặt, bảo tồn nguyên trạng như hiện nay.

Dịp này, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cũng đã trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ rừng thuộc Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú, chính quyền và nhân dân xã Tân Hòa, Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ B58.

Cũng tại buổi lễ, ông Phạm Hương Sơn, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Trường Tươi, đã trao tặng 2 tỉ đồng cho quỹ khuyến học khuyến tài, quỹ vì người nghèo tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, ông cũng hỗ trợ 2 tỉ đồng đón Tết Giáp Thìn cho người nghèo, cựu chiến binh trên địa bàn…

Cây thị 700 tuổi ‘cứu vua Lê Lợi’ được công nhận là Cây di sản Việt NamCây thị 700 tuổi ‘cứu vua Lê Lợi’ được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Cây thị có tuổi đời trên 700 năm gắn liền với sự tích "cứu vua Lê Lợi" ở Hà Tĩnh vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên