Sáng 10-4, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa (CDC Khánh Hòa).
Viện KSND tỉnh Khánh Hòa tiến hành luận tội đối với 6 bị cáo trong vụ án, đều bị truy tố phạm tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" tại khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự, theo quy định có mức phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
CDC Khánh Hòa ứng hàng xài trước rồi tổ chức đấu thầu, trúng thầu sau
Trước đó, từ phiên tòa khai mạc 9-4, 2 bị cáo có đơn xin xử vắng mặt và đã được hội đồng xét xử chấp nhận. Đó là bị cáo Nguyễn Trường Giang (tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ứng dụng VN, viết tắt VNDAT) và Nguyễn Thị Thúy (giám đốc phòng dự án VNDAT; đều ở Hà Nội) đã có đơn xin xử vắng mặt.
4 bị cáo có mặt tại phiên tòa, đều cư trú tại Khánh Hòa và đều được tại ngoại, đã tự đến tòa.
Trong đó, có 3 bị cáo tại CDC Khánh Hòa là Huỳnh Văn Dõng (cựu giám đốc CDC Khánh Hòa), Trần Quốc Huy (cựu trưởng phòng tổ chức-hành chính), Phan Phương Ngọc (nữ nhân viên khoa dược - vật tư y tế) và bị cáo Cao Văn Cường là chủ hộ kinh doanh cơ sở Phong Phú (tại Nghĩa Đông, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).
Cả 4 bị cáo có mặt tại tòa đều thừa nhận mình đã sai phạm, cáo trạng truy tố đúng những gì đã xảy ra.
Tuy nhiên, khi trả lời xét hỏi tại tòa về quá trình tổ chức, cấu kết, thông thầu nhiều gói thầu, để cho Công ty VNDAT, Công ty cổ phần Dược phẩm Tường Khuê (tại quận Hải Châu, Đà Nẵng) và chủ cơ sở hộ kinh doanh Phong Phú trúng nhiều gói thầu, gây thiệt hại tài sản nhà nước tổng cộng hơn 15,97 tỉ đồng, bị cáo Huỳnh Văn Dõng có rất nhiều lần đều khai là bị cáo "không nhớ", "không biết", "không rõ lắm"…
Chẳng hạn, khi tòa hỏi về việc ai chủ trương ứng trước kit xét nghiệm, vật tư y tế, hóa chất của các doanh nghiệp VNDAT, Tường Khuê để sử dụng rồi sau đó tổ chức các cuộc đấu thầu mà chỉ có duy nhất mỗi một mình VNDAT đủ điều kiện dự thầu và trúng 5 gói thầu (tổng giá trị 14,215 tỉ đồng nhưng đã gây thiệt hại cho Nhà nước và hưởng lợi bất hợp pháp đến hơn 9,85 tỉ đồng).
Hay việc quyết định phê duyệt cho Công ty cổ phần dược phẩm Tường Khuê trúng 21 gói thầu (tổng giá trị hơn 19,51 tỉ đồng, gây thiệt hại, hưởng lợi bất hợp pháp gần 1,94 tỉ đồng). Cơ sở hộ kinh doanh Phong Phú (của bị cáo Cao Văn Cường) được xét trúng 37 gói thầu (tổng trị giá hơn 17,3 tỉ đồng, hưởng lợi bất hợp pháp, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 4,178 tỉ đồng).
Bị cáo Dõng khai việc ký các hợp đồng đó là do tình huống cấp bách khi ấy, cần phải có kit xét nghiệm, hóa chất, vật tư y tế để phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho nhân dân.
Còn có những hợp đồng là đều do cấp dưới tham mưu trình lên, bị cáo chỉ xem qua, hỏi lại có đúng hay không rồi ký, chứ cũng không biết và cũng do lúc đó "họp tối ngày".
Còn về chủ trương ứng trước hóa chất, vật tư y tế để xài trước, đấu thầu sau, bị cáo Dõng cũng trả lời "không nhớ rõ" ai đưa ra chủ trương đó. Nhưng bị cáo Huy sau đó đã khai việc ứng trước hóa chất, vật tư y tế của doanh nghiệp đó là thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Dõng.
Đổ thừa cấp dưới...
Chính bị cáo Dõng đã ký 2 quyết định lập tổ chuyên gia đấu thầu do chính bị cáo làm tổ trưởng và tổ chuyên gia thẩm định thầu, để thực hiện các vụ đấu thầu theo kiểu cấu kết, thông thầu kể trên, bị cáo Dõng cũng lại khai là do bộ phận chuyên môn, cấp dưới tham mưu, trình lên.
Một thẩm phán đã hỏi "vặn lại" bị cáo Dõng không rõ lắm thì tại sao bị cáo lại làm tổ trưởng tổ chuyên gia đấu thầu?
Thẩm phán còn hỏi bị cáo Dõng: "Vì sao bị cáo có thể đổ thừa do cấp dưới trình lên. Nếu cấp dưới tham mưu lên mà bị cáo không ký thì các hơp đồng đó có thực hiện được không?".
Trong khi đó, theo thẩm phán, "chính bị cáo đã tạo ra sân chơi và bị cáo cũng là trọng tài. Còn vai trò của tổ chuyên gia thẩm định đấu thầu thì rất mờ nhạt".
Bị cáo Dõng thừa nhận đối với các hợp đồng trúng thầu kể trên mà bị cáo không ký thì không thể thực hiện được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận