20/02/2024 08:09 GMT+7

Cao tốc miền Trung mỗi đoạn một kiểu, có nơi mới là đường đồng bằng cấp 3

Hơn 300km cao tốc nối qua năm tỉnh thành miền Trung được thiết kế mỗi đoạn một kiểu khiến nhiều tài xế gặp khó khăn.

Nhiều xe coi nhẹ cảnh báo vượt ẩu, dù lưu lượng xe lưu thông những ngày Tết rất đông qua đoạn  Hòa Liên - La Sơn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nhiều xe coi nhẹ cảnh báo vượt ẩu, dù lưu lượng xe lưu thông những ngày Tết rất đông qua đoạn Hòa Liên - La Sơn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Từ TP.HCM ra Bắc ăn Tết, anh Nguyễn Ngọc Dương (TP.HCM) bất ngờ khi chạy trên cao tốc dọc miền Trung. Ngoại trừ 140km cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng được thiết kế mỗi bên hai làn đường và một làn dừng khẩn cấp, 170km còn lại không có dải phân cách ở giữa.

Cao tốc chỉ khác đường quốc lộ là không có xe máy

Ngon trớn với tốc độ 60 - 120km/h, ra khỏi cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, anh Dương phải hạ tốc ngay tại đoạn đường nối giữa Túy Loan đến Hòa Liên (địa phận huyện Hòa Vang). Đây là tuyến đường tránh dài hơn 10km nên có xe máy chạy chung, mỗi bên có một làn đường nên thường xuyên gặp cảnh ùn ứ. Hiện đoạn này đang chuẩn bị đầu tư làm cao tốc nên mặt đường lồi lõm nhiều chỗ.

300km cao tốc đi qua miền Trung mỗi nơi một kiểu, gây khó cho tài xế

Nhập làn cao tốc Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ, dù đã thoát được tình trạng chạy chung với xe máy nhưng đến với những đoạn đường núi quanh co không có dải phân cách. Trên tuyến Hòa Liên - La Sơn dù đường núi đồi dốc nhưng những đoạn cho phép vượt thì phải lấn sang làn đối diện.

Đến đoạn La Sơn - Cam Lộ có ổn hơn khi những đoạn vượt được thiết kế riêng biệt mỗi bên hai làn đường, có dải phân cách giữ, nhưng theo anh Dương, vẫn là trải nghiệm chưa hoàn hảo khi chạy trên tuyến cao tốc này.

"Đi cao tốc mình cứ nghĩ sẽ khác đường bình thường, tiêu chuẩn cao hơn, an toàn hơn để chạy tốc độ cao. Tuy nhiên, thực chất cao tốc chỉ khác đường quốc lộ là không có xe máy. Trong khi đó lại nguy hiểm hơn vì không có dải phân cách ở giữa, có thể đối đầu với xe vượt ẩu hướng đối diện ngay lập tức", anh Dương nói.

Làm theo kiểu "con nhà nghèo"

Trên thực tế, dù được đầu tư sớm nhất nhưng xét theo tiêu chuẩn cao tốc thì hiện mới chỉ có đoạn 140km cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn. Dù tên gọi là cao tốc nhưng đoạn từ Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ (nối Đà Nẵng với Quảng Trị) chỉ đạt tiêu chuẩn cho chạy tối đa 80km, tốc độ này còn thua những đoạn quốc lộ 1 ngoài đô thị.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Cường, giảng viên môn đường ô tô - đường thành phố (khoa xây dựng cầu đường Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng), nhìn nhận hiện nay cao tốc đi qua miền Trung phân mảnh mỗi đoạn một kiểu chạy.

Trừ đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi có mặt cắt ngang hoàn chỉnh thì các đoạn còn lại bị cắt bỏ làn dừng xe khẩn cấp, thậm chí làn xe cơ giới, làm cho đường không đồng nhất về bề rộng.

"Đoạn từ Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn cao tốc của thế giới. Việc gọi tên cao tốc có thể là để phân biệt với đường ô tô thông thường nhưng hiện nay trong phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 mới là tiêu chuẩn đường đồng bằng cấp 3. Đường này lấy tên gọi cao tốc khiến cho nhiều người dễ nhầm lẫn chạy 'ngọt' với tốc độ cao mà chủ quan thì cực kỳ nguy hiểm", ông Cường nói.

Theo ông Cường, có thể nói cách làm cao tốc hiện nay theo kiểu "con nhà nghèo". Tức là do chưa có kinh phí đầy đủ nên phải phân kỳ các giai đoạn đầu tư, hạ thấp các tiêu chuẩn của cao tốc khiến nhiều đoạn đi qua miền Trung bị phân mảnh.

Ông Cường cho rằng lưu lượng xe đông đúc cùng với các yếu tố địa hình, hạ tầng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Do vậy khi di chuyển trên đường, lái xe phải tuyệt đối chấp hành các khuyến cáo mà cơ quan quản lý đưa ra để hạn chế thấp nhất tai nạn do lỗi chủ quan.

Bộ GTVT: Tiếp tục rà soát, xử lý tình huống phát sinh

Trong khi chờ cơ quan điều tra kết luận nguyên nhân vụ tai nạn ngày 18-2 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo đơn vị quản lý đường theo dõi, rà soát xử lý tình huống phát sinh trong quá trình khai thác.

Ông Uông Việt Dũng, chánh Văn phòng Bộ GTVT, cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-2 về những ý kiến cho rằng vụ tai nạn giữa xe bảy chỗ với xe đầu kéo trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào ngày 18-2 có cả nguyên nhân đường hẹp.

Ông Dũng khẳng định thời gian qua Bộ GTVT thường xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc theo dõi diễn biến, tình huống phát sinh trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác. Vừa qua, bộ đã điều chỉnh tốc độ tối đa từ 80km/h lên 90km/h trên các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư bốn làn xe sau quá trình theo dõi, đánh giá.

Ông Dũng cho biết thời gian qua lãnh đạo Bộ GTVT đã giải trình trước Quốc hội và báo cáo Chính phủ việc đầu tư phân kỳ đường cao tốc (chưa đầu tư theo quy mô đầy đủ như quy hoạch) là căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn, dự báo lưu lượng xe, nhu cầu vận tải trên từng đoạn tuyến cụ thể để đầu tư phù hợp với nguồn lực.

Đồng thời bộ cũng đã rà soát các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác, có văn bản đề xuất Chính phủ. Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng cần phải căn cứ vào nguồn lực. Theo ông Dũng, dù với cao tốc quy mô đầy đủ hay phân kỳ đầu tư, mọi người cần tuân thủ luật và quy tắc giao thông để đi lại được an toàn.

Vì sao lấn làn, vượt ẩu thường xuyên xảy ra ở cao tốc miền Trung?Vì sao lấn làn, vượt ẩu thường xuyên xảy ra ở cao tốc miền Trung?

Thiết kế một làn đường, địa hình đồi dốc xe tải nặng di chuyển chậm nên trên các tuyến cao tốc miền Trung thường xuyên xảy ra tình trạng lấn làn, vượt ẩu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên