09/10/2023 08:32 GMT+7

Càng thẩm mỹ càng không hài lòng

Xã hội hiện đại, nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, có không ít người can thiệp thẩm mỹ càng nhiều thì càng gia tăng sự không hài lòng, dù đã gặp biến chứng. Có người còn có ý định tự tử chỉ vì mặt nổi mụn...

Theo các bác sĩ, khi can thiệp thẩm mỹ càng nhiều sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng sự không hài lòng - Ảnh: BVCC

Theo các bác sĩ, khi can thiệp thẩm mỹ càng nhiều sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng sự không hài lòng - Ảnh: BVCC

Đây cũng là khó khăn cho bác sĩ thẩm mỹ khi tiếp nhận những bệnh nhân liên tục đề nghị được thẩm mỹ.

Suýt tự tử vì... mụn

Tại khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM, qua thực hiện nghiên cứu khảo sát tất cả các bệnh nhân đến khoa, bác sĩ Lê Thảo Hiền cho biết số bệnh nhân bị rối loạn tâm thần gia tăng về số lượng và trẻ hóa về độ tuổi.

Các rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân thẩm mỹ da gồm: rối loạn mặc cảm ngoại hình (BDD), rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD) và rối loạn nhân cách kịch tính (HPD).

Có nữ bệnh nhân 20 tuổi đến khoa thẩm mỹ da vì mụn và có ý định tự tử. Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy mụn trên mặt bệnh nhân ở mức độ nhẹ, nhưng bệnh nhân luôn trong trạng thái buồn rầu, tự ti, không muốn giao tiếp với ai. Bệnh nhân chia sẻ mình ăn rất nhiều trái cây và mỗi ngày dành ba tiếng đồng hồ cho việc này với mong muốn nhanh hết mụn.

Dù bác sĩ đã giải thích rõ tình trạng mụn ở mức nhẹ, nhưng bệnh nhân vẫn thường xuyên đến khoa thẩm mỹ Bệnh viện Da liễu và tiếp tục than phiền tình trạng da bị mụn của mình. Bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị rối loạn mặc cảm ngoại hình nặng nên tư vấn đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần khám thêm để được can thiệp sớm nhất.

Trường hợp khác là bệnh nhân nam bị rối loạn nhân cách kịch tính - rối loạn thường gặp nhất ở người trẻ, cả nam và nữ. Bệnh nhân này luôn muốn mình là trung tâm của sự chú ý, là số một nên rất quan tâm đến ngoại hình. Thấy mũi không được cao, mặt chưa được góc cạnh nên đã nhiều lần can thiệp thẩm mỹ. Khi chưa hài lòng sống mũi, khuôn mặt thì họ lại chuyển sang không hài lòng làn da...

"Mỗi thời điểm bệnh nhân gặp bác sĩ đều cảm thấy mũi, khuôn mặt của mình chưa tương xứng, sau đó lại quan tâm đến làn da và luôn than phiền da bị đen. Dù bác sĩ thăm khám thấy da bệnh nhân sáng, đều màu, thế nhưng bệnh nhân lại muốn trắng hơn nữa, nên dẫn đến tình trạng không hài lòng và vấn đề thẩm mỹ càng ngày càng tệ hơn, tốn kém thời gian và tiền bạc", bác sĩ Thảo Hiền chia sẻ.

Sửa mũi liên tục vẫn không ổn

TS Tống Hải - chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) - chia sẻ từng tiếp nhận tư vấn một bạn nữ có mũi rất đẹp, hài hòa với khuôn mặt nhưng lại liên tục sửa mũi nhiều lần theo sở thích từng thời điểm.

"Tôi khuyên khách hàng không nên sửa, vì hiếm người có chiếc mũi cân đối hài hòa với khuôn mặt như vậy. Tuy nhiên họ không nghe, đến bác sĩ khác sửa cho mũi có dáng cao, nhìn trông Tây. Nhưng hơn năm sau khách hàng ấy lại đi hạ xuống làm đầu mũi cao kiểu Trung Hoa, sau đó gặp biến chứng chảy dịch, viêm mủ.

Khách hàng này phải mất 4 đến 6 lần tháo ra đặt lại mũi.

Năm 2022, họ lại đến bệnh viện nhưng trong tình trạng chiếc mũi xơ co rút lộ sống. Tôi tư vấn bạn này nên tháo mũi để hồi phục về trạng thái ban đầu, tuy nhiên người này vẫn nhất quyết muốn thử đi sửa một lần nữa", bác sĩ Hải kể.

Bác sĩ Thảo Hiền cho biết việc can thiệp thẩm mỹ càng nhiều sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng sự không hài lòng của khách hàng.

Nhiều bệnh nhân luôn buồn rầu, mặc cảm với ngoại hình của bản thân, mặc dù khuyết điểm không đáng kể. Khi đó, dù đã được thực hiện những chỉ định thẩm mỹ có hiệu quả, họ cũng sẽ không thấy điều này.

Sự không hài lòng ngoại hình và sự tự hoàn thiện bản thân thông qua các thủ thuật thẩm mỹ có thể liên quan đến sự tôn trọng, mong muốn được xã hội chấp thuận, được theo đuổi các xu hướng làm đẹp.

Bác sĩ Thảo Hiền cho rằng việc phát hiện và xác định rối loạn tâm thần ở bệnh nhân thẩm mỹ da sẽ giúp bác sĩ đưa ra quyết định chính xác xem bệnh nhân có muốn thực hiện hay từ chối thực hiện thủ thuật, hoặc chuyển chuyên khoa tâm thần kinh.

Theo TS Tống Hải, việc phẫu thuật thẩm mỹ liên tiếp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ. Với mỗi cơ quan khi can thiệp làm đẹp về ngoại khoa (phẫu thuật) sau đó cần một thời gian hồi phục để trở về trạng thái bình thường, trung bình từ 3 tháng đến 3 năm tùy thuộc vào các cơ quan khác nhau. Chỉ sau khi các cơ quan đã ổn định thì chị em mới được can thiệp lần tiếp theo.

Nếu chúng ta phẫu thuật nhiều lần trên một cơ quan, khi không đủ thời gian, thậm chí nhiều bác sĩ khác nhau thực hiện có thể gây nên sẹo xơ cứng, gây biến dạng các cơ quan bộ phận đó, mất đi tính thẩm mỹ. Hoặc nếu tạo hình theo đuổi những xu hướng trên mạng còn gây ra sự mất cân đối, không hài hòa.

Làm sao để biết bản thân lạm dụng, rối loạn tâm thần

Theo bác sĩ Tống Hải, việc phẫu thuật thẩm mỹ có thể giúp chị em có gương mặt ưa nhìn, cân đối hơn, đặc biệt là những người có khiếm khuyết trên khuôn mặt, cơ thể. Thế nhưng việc lạm dụng hay có vấn đề về tâm lý là không ổn.

"Những người muốn phẫu thuật thẩm mỹ cần định hình được bộ phận (cơ quan) nào trên cơ thể mình chưa hài lòng. Sau đó, hãy tìm bác sĩ chuyên khoa, phải là bác sĩ thật, có bằng cấp và chứng chỉ để được tư vấn.

Liệu rằng những cơ quan, bộ phận bạn đang chưa hài lòng có thực sự là khuyết điểm hay không? Nếu bác sĩ có máy mô phỏng 3D để hình dung trước kết quả phẫu thuật là tốt nhất. Sau đó, tìm hiểu chất liệu, giá thành, bảo hành...rồi cân nhắc có nên phẫu thuật nữa hay không.

Khi các chị em đã can thiệp phẫu thuật một vài lần (ba lần) trên cùng một cơ quan mà lần nào bác sĩ cũng làm đúng cơ quan đó theo ý mình (không phải theo ý bác sĩ, mà bác sĩ đã tư vấn trước) mà bạn vẫn không thấy hài lòng, có ý định muốn sửa tiếp thì nên qua gặp bác sĩ tâm lý để tư vấn giải quyết những vấn đề khác", bác sĩ Hải khuyến cáo.

Bác sĩ da liễu phải cập nhật thêm yếu tố tâm thần trong bệnh nhân thẩm mỹ da, song song đó định hướng người bệnh nhận thức được vẻ bề ngoài hiện tại của mình thế nào và hình dung hình ảnh mình mong đợi đạt được sau thẩm mỹ ra sao. Nếu bệnh nhân bị rối loạn tâm thần ở mức độ nhẹ thì bác sĩ da liễu có thể giúp cho bệnh nhân, nhưng trong trường hợp nặng thì phải cần sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

BS LÊ THẢO HIỀN

Đình chỉ cơ sở thẩm mỹ ‘chui’ thách thức đoàn kiểm traĐình chỉ cơ sở thẩm mỹ ‘chui’ thách thức đoàn kiểm tra

Cơ sở thẩm mỹ “chui” tại TP Thủ Đức thách thức đoàn kiểm tra vừa bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt hơn 115 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên