17/10/2017 16:26 GMT+7

Căn phòng hổ phách huyền thoại vẫn còn và giấu ở Đức

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Dựa trên một phát hiện mới, chính quyền Đức đã bật đèn xanh cho một nhóm thợ săn kho báu thực hiện khai quật tìm kiếm kho tàng nghệ thuật giá trị nhất bị đánh cắp trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Căn phòng hổ phách huyền thoại vẫn còn và giấu ở Đức - Ảnh 1.

Người tham quan thường không thể không trầm trồ trước căn phòng hổ phách được phục dựng lại ở Cung điện Catherine, gần thành phố St Petersburg của Nga - Ảnh: AFP

Báo Bild của Đức đưa tin ba thợ săn kho báu cao niên tuyên bố đã phát hiện dấu tích căn phòng hổ phách của Sa hoàng Nga Peter Đại Đế tại một địa danh gọi là Hang động Hoàng tử nằm ở Đồi Hartenstein, tây nam thành phố Dresden (Đức), cách không xa biên giới Ba Lan.

Ba cụ ông mê thám hiểm bao gồm nhà khoa học Gunter Eckard (67 tuổi), chuyên gia radar địa chất Peter Lohr (71 tuổi) và bác sĩ Leonhard Blume (73 tuổi).

Về địa điểm nghi giấu kho báu, trong giai đoạn chiến tranh, các nhà khoa học của Đức quốc xã dùng khu phức hợp hang động này làm phòng thí nghiệm. Nhưng khi hòa bình lập lại, tất cả giấy tờ, tư liệu về hoạt động nghiên cứu tại đó biến mất một cách bí ẩn khỏi tàng thư địa phương.

Không chi là một kho báu

Theo một quan chức Cơ quan Địa chất bang Saxony (Đức), những tài liệu còn sót lại ghi nhận Hang động Hoàng tử được đào lần đầu tiên vào năm 1455. "Chúng tôi không còn giấy tờ nào nhắc đến hoạt động khai mỏ hoặc cơ sở dưới lòng đất của Đệ tam Đế chế (Đức quốc xã)" - vị quan chức này cho biết.

Ông Peter Lohr, một trong ba thợ săn kho báu, nhận xét sự "mất tích" của các tài liệu là không có gì ngạc nhiên. "Chúng bị phá hủy vì nơi đó cất giấu Bernsteinzimmer (căn phòng hổ phách) và Hohenzollernschatz (kho báu của Kaiser Wilhelm II, vị hoàng đế cuối cùng của Đế quốc Đức và Vương quốc Phổ)" - ông Lohr tiết lộ với báo Bild.

Nhóm thợ săn bắt đầu thăm dò khu Đồi Hartenstein hồi tháng 9 năm nay dựa trên một thông tin "đáng tin cậy" mà ông có Lohr có được từ năm 2001. Qua hình ảnh radar, họ khẳng định đã phát hiện ra các hệ thống bẫy và công sự dưới lòng đất.

"Khu địa đạo này nằm dưới một đường ray xe lửa, nơi mà tháng 4-1945 một đoàn tàu từ Königsberg dừng lại. Königsberg, bây giờ là Kaliningrad thuộc Nga, trước kia là thủ phủ của Đông Phổ, nơi Căn phòng hổ phách từng được cất giấu" - ông Lohr giải thích.

Căn phòng hổ phách huyền thoại vẫn còn và giấu ở Đức - Ảnh 2.

Hệ thống đường sắt thời Thế chiến thứ hai nối vùng lãnh thổ Konigsberg do Đức kiểm soát đến khu hầm mỏ ở Saxony - Ảnh: Viện lưu trữ quốc gia Mỹ

Ngoài ra, nhóm "thợ săn" tuyên bố họ có bằng chứng cho thấy kho báu của Hoàng đế Kaiser Wilhelm II, người sống lưu vong ở Hà Lan năm 1918 sau thất bại trong Thế chiến thứ 1, cũng được cất giấu trong khu phức hợp dưới lòng đất.

Nhà khoa học Eckard tiết lộ như sau: "Chúng tôi phát hiện trên một cái cây dấu vết của những sợi dây thừng bằng thép dùng để kéo các thùng hàng. Radar địa chất và các phương pháp thăm dò cảm ứng cho thấy một hệ thống đường hầm bí mật ngay bên dưới cái hang".

Căn phòng huyền thoại

Được chế tác hoàn toàn từ hổ phách, vàng và đá quý, căn phòng hổ phách là một kiệt tác nghệ thuật trường phái baroque, được công nhận rộng rãi như một kho báu nghệ thuật quan trọng nhất của thế giới. 

Người ta nói khi tất cả 565 cây nến trong căn phòng hổ phách được thắp sáng, nó sẽ phản chiếu ra thứ ánh sáng màu vàng lửa.

Quốc vương Phổ tặng căn phòng này cho Sa hoàng Nga Peter Đại Đế năm 1716. Sau đó, Nữ hoàng Catherine đệ nhị (1729-1796) của Nga ra lệnh cho các nghệ nhân trang trí căn phòng và dời nó từ Cung điện mùa đông ở thành phố St. Petersburg đến dinh thự mùa hè của bà ở Tsarskoye Selo, bên ngoài thành phố.

Khi được hoàn thành năm 1770, căn phòng lộng lẫy một cách choáng ngợp. Nó được thắp sáng bởi 565 cây nến, ánh sáng của chúng phản chiếu trên bề mặt vàng ấm của hổ phách và lấp lánh trong những tấm gương, bề mặt chạm khắc và dát vàng.

Sử gia người Nga Konstantin Akinsha và Grigorii Kozlov mô tả căn phòng hổ phách

Tháng 7-1941, trong chiến dịch đánh chiếm Liên Xô, Đức quốc xã cướp căn phòng hổ phách mang về nước. Tung tích của nó không ai biết kể từ đó. 

Sau chiến tranh, căn phòng hổ phách trở thành một El Dorado của châu Âu (El Dorado - một kho báu huyền thoại ở Mỹ Latin), tạo ra một cơn sốt tìm kiếm kho báu thu hút từ người giàu cho đến nghèo thích săn tìm kho báu.

Căn phòng hổ phách huyền thoại vẫn còn và giấu ở Đức - Ảnh 4.

Thủ tướng Nga Viktor Chernomyrdin thăm căn phòng hổ phách được phục dựng vào tháng 5-1997 - Ảnh: AFP

Về số phận của căn phòng hổ phách có rất nhiều giả thiết. Một giả thiết được chấp nhận rộng rãi là kho báu này đã bị pháo binh vô tình phá hủy khi Hồng quân Liên Xô đánh chiếm Königsberg năm 1945.

Nhưng cũng có ý kiến nói căn phòng đã được người Đức chuyển đi trước ngày Königsberg thất thủ. 

Cách đây 14 năm, một bộ phim tài liệu công chiếu ở Đức đặt nghi vấn xung quanh một nhân vật tên là Albert Popp, thiếu tướng - chỉ huy lữ đoàn bay của Đức quốc xã trước thế chiến. Ông này là cháu của Martin Mutschmann, thủ hiến bang Saxony.

Dựa trên tàng thư lưu trữ và lời kể của một số nhân chứng của sự kiện vây hãm Königsberg, người ta ngờ rằng chính ông Albert Popp này là người đã di chuyển căn phòng hổ phách theo lệnh của người chú đến khu mỏ cũ và kho chứa dưới lòng đất ở thành phố Nordhausen.

Căn phòng hổ phách huyền thoại vẫn còn và giấu ở Đức - Ảnh 5.

Những thùng hàng chứa đồ vật quý giá do Đức quốc xã ăn cắp được tìm thấy trong mỏ muối ở Áo - Ảnh: Viện lưu trữ quốc gia Mỹ

Thực tế, quân Đồng minh đã phát hiện ra rất nhiều báu vật ăn cắp bởi phát xít Đức, dự kiến sẽ trưng bày trong viện bảo tàng văn hóa thế giới của Adolf Hitler, trong các mỏ muối ở Áo. Do đó, cũng có cơ sở để tin rằng họ đã chuyển căn phòng hổ phách đến một vị trí nào đó sâu bên trong lãnh thổ Đức.

Theo báo Bild, nhóm thợ săn kho báu người Đức đã có được giấy phép khai quật của chính quyền và hiện đang tiến hành gây quỹ để có kinh phí khảo sát tiếp. Họ dự kiến bắt đầu sau năm mới.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên