24/08/2022 11:54 GMT+7

‘Anh có cả trăm, nghìn giấy khen nhưng lấy tiền của Nhà nước là chuyện khác nhau’

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng lớp cán bộ sản sinh ra từ 'chạy chức, chạy quyền' sẽ coi đó là vụ bỏ vốn đầu tư kinh doanh trên chức vụ, quyền hành nhận được. Do đó, khi có chức, quyền sẽ tìm mọi cách 'tận thu'.

‘Anh có cả trăm, nghìn giấy khen nhưng lấy tiền của Nhà nước là chuyện khác nhau’ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Phong - Ảnh: THÀNH CHUNG

Ngày 24-8, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức hội thảo phòng, chống tham nhũng và vai trò của Kiểm toán Nhà nước.

Tội phạm về kinh tế có nên bắt, phạt án tù hay không?

Nêu ý kiến tại đây, ông Đặng Văn Thanh - chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam - cho rằng việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước là cần thiết, yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Trong đó, theo ông Thanh, yếu tố về chính trị và quyết tâm chính trị là rất quan trọng và không chỉ ở các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mà ở ngay đội ngũ làm chuyên môn.

Ông dẫn ví dụ vào những năm 1960 - 1970, kế toán trưởng bên cạnh việc tổ chức hệ thống thông tin còn được giao kiểm soát viên tài chính tại doanh nghiệp.

Do đó giám đốc, chủ tịch, chủ nhiệm không phải muốn chi bao nhiêu cũng được bởi kế toán trưởng sẽ chặn ngay. Còn hiện nay, đi dự một số phiên tòa ông thấy rất buồn.

Chẳng hạn ở phiên tòa Lã Thị Kim Oanh, hỏi kế toán trưởng tại sao giám đốc lấy tiền ngân hàng về không bỏ tiền vào quỹ mà lại đồng ý, kế toán trưởng trả lời giám đốc bảo thế nên làm thế...

"Thực tế có vụ án nào mà thủ trưởng ra tòa không kèm theo kế toán trưởng hoặc mấy anh cán bộ kế toán đâu", ông Thanh nói.

Về nhân tố pháp lý, ông Thanh cho rằng có nhiều công cụ nhưng sử dụng công cụ pháp lý nào trong phòng, chống tham nhũng là cực khó.

Trong các công cụ đó, với Kiểm toán Nhà nước phải làm sao ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng... Trong đó kiểm toán phải vào ngay trong quá trình xây dựng dự toán, phân bổ nguồn lực.

Ông Thanh đặt vấn đề gần đây, trên một số diễn đàn nổi lên ý kiến gợi ý rằng với các tội phạm về kinh tế có nên bắt, phạt án tù hay không? Hay nếu người ta nộp tiền xin khắc phục hậu quả có nên tha không?

"Dư luận đã ồn ào nếu như vậy tham ô 9 vụ, bắt 1 vụ, nộp tiền vào có qua được 9 vụ kia được không? Đây là chuyện cực kỳ lớn nên yếu tố pháp lý phải răn đe đến mức nào đó để sợ không tham ô.

Còn nếu tiếp tục tham ô hay tham ô ở mức cao hơn để có thể bù đắp tham ô ở mức thấp hơn khi bị phát hiện là không thể được", ông Thanh nói thêm.

Một vấn đề khác ông Thanh đặt ra, đó là có cán bộ tham nhũng nhiều nhưng quá trình công tác nhận cả trăm bằng khen, giấy khen và khi ra tòa xuất trình rồi được giảm cho vài năm tù, có nên không?

"Anh có trăm, nghìn giấy khen nhưng lấy tiền của Nhà nước là 2 chuyện khác nhau. Lấy hàng trăm giấy khen ra chứng minh, xin bù lại tội là không được. Tòa xem xét công, tội nhưng có nên lấy khen thưởng trước đó làm thước đo để định đoạt hình phạt không?", ông Thanh nêu thêm.

‘Anh có cả trăm, nghìn giấy khen nhưng lấy tiền của Nhà nước là chuyện khác nhau’ - Ảnh 2.

Ông Đặng Văn Thanh - Ảnh: T.V.

Cần chống 'bỏ vốn đầu tư kinh doanh trên chức tước'

Đề cập đến chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ông Nguyễn Minh Phong - nguyên phó ban tuyên truyền lý luận, báo Nhân Dân - nói đây là hai nhiệm vụ song song.

Trong đó, theo ông Phong, vấn đề "chạy chức, chạy quyền" là một dạng tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ và là điển hình phản cảm. Đồng thời, các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã chỉ rõ các loại "chạy" và diễn biến của tình trạng này.

Vị chuyên gia này cũng chỉ rõ "chạy chức, chạy quyền" khiến gia tăng tình trạng bổ nhiệm “đúng quy trình” cho những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Từ đó làm mất động lực và cơ hội phấn đấu, tiến bộ của cán bộ chân chính.

“Điều nguy hại nhất là chạy chức chạy quyền để lại di hại toàn diện và lâu dài cho đất nước và sự nghiệp cách mạng. Lớp cán bộ sản sinh ra từ “chạy chức, chạy quyền” coi đó là vụ bỏ vốn đầu tư kinh doanh trên chức vụ, quyền hành nhận được.

Bởi vậy khi có chức, quyền họ sẽ tìm mọi cách “tận thu” từ mọi nguồn thu có thể để hoàn vốn đầu vào và thu lợi nhuận, trước khi cống hiến…

Hơn nữa, với cơ chế chạy chức chạy quyền đó, họ tiếp tục tuyển dụng và bổ nhiệm thêm những cán bộ cùng loại, kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã””, ông Phong nhấn mạnh.

Giải pháp ngăn chặn tình trạng này, theo ông Phong là không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy…

Cạnh đó, với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Công khai, minh bạch các nội dung về công tác cán bộ cho các đối tượng liên quan theo quy định...

'Lãnh đạo bị kỷ luật vẫn đưa vào ban chỉ đạo chống tham nhũng thì xử lý được ai'

TTO - Vừa qua dư luận xôn xao về trường hợp Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng dù đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng vẫn cơ cấu vào làm phó Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh...

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên