12/08/2011 16:38 GMT+7

Cải tạo chung cư cũ Hà Nội còn chậm chạp

TTXVN
TTXVN

Thành phố Hà Nội hiện có rất nhiều khu chung cư cũ đã hết tuổi thọ, xuống cấp, rơi vào tình trạng nguy hiểm đến mức buộc phải di dân.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thí điểm chủ trương cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ nát theo nghị quyết số 34 của Chính phủ và chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, tiến độ thực hiện ở hầu hết dự án vẫn còn quá chậm.

RDhJfINK.jpgPhóng to
Một khu chung cư cũ - Ảnh minh họa: TTO

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết: trên địa bàn thành phố hiện có 982 nhà chung cư cũ có quy mô 4-5 tầng do thành phố quản lý và 173 nhà chung cư, nhà tập thể do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng quản lý.

Sau khi tiến hành kiểm định đối với 77 nhà chung cư, thành phố đã lọc ra 11 nhà chung cư nguy hiểm cấp D và tiến hành di dời, cải tạo xây dựng lại theo quy định của Luật nhà ở. Đó là các dự án: nhà B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I1-2-3 Thái Hà; P3 Phương Liệt; C7, B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; 148 - 150 Sơn Tây…

Lý giải nguyên nhân chậm trễ của các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ này, ông Tuấn cho biết: trong quá trình triển khai có nhiều nguyên nhân, nhưng vướng mắc chủ yếu ở hầu hết dự án vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, bởi thực tế mâu thuẫn gay gắt nhất vẫn ở quyền lợi. Người dân luôn đòi hỏi căn hộ mới phải rộng, đẹp hơn nhà cũ, được tái định cư tại chỗ, hỗ trợ tạm cư...; doanh nghiệp thì không thể làm mà không đạt mức lợi nhuận nhất định.

Thậm chí có nơi còn “nóng” khi người dân đòi quyền quyết định chọn chủ đầu tư. Trong khi đó, tại những vị trí lên kế hoạch cải tạo đều nằm trong nội thành, là khu vực hạn chế phát triển, giảm tầng cao, giảm mật độ dân cư nên không thể xây quá cao tầng được.

Đơn cử như dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), được triển khai từ năm 2002, đến nay chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và phát triển nhà số 7 vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của hai nhà A1, A2 vì vẫn còn 40/199 hộ dân chưa chấp thuận phương án bồi thường, di dời (trong khi cả dự án có tới 14 nhà dự kiến xây mới). Trước thực trạng đó, doanh nghiệp đang chịu sức ép rất lớn về tài chính, còn dự án thì chưa biết khi nào mới khởi công được (?).

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, một nguyên nhân nữa gây phức tạp trong quá trình cải tạo, xây dựng mới tại một số dự án lại xuất phát từ chính các chủ đầu tư. Đó là một số doanh nghiệp thỏa thuận với dân bằng mọi giá. Nhưng trong quá trình thỏa thuận phát sinh nhiều ý kiến bất hợp lý của người dân, đặc biệt là những đòi hỏi về quyền lợi như diện tích nhà tái định cư, các khoản phí hỗ trợ…, do đó bắt buộc nhà đầu tư phải quay lại tạo sức ép với thành phố để nâng cao tầng, đảm bảo tái định cư và cân đối tài chính.

Thậm chí xuất hiện cả sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các doanh nghiệp. Một số nhà đầu tư kích động người dân bằng cách đưa ra những ưu đãi lớn hơn để dân phản đối đơn vị đã được thành phố giao nhiệm vụ, gây nên những lộn xộn, cản trở việc triển khai các dự án.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên