Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng nói rằng những đánh giá về mức độ hài lòng trong cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan của cộng đồng doanh nghiệp nhiều khi làm ông "rát mặt", hay có lúc tự ái, nhưng là thông tin khách quan quan trọng để tư lệnh ngành thêm trăn trở, suy nghĩ để hướng đến những cải cách đi vào thực chất.
Công cuộc cải cách phải luôn gắn với vai trò của người đứng đầu. Như Bộ Công thương khi thực hiện chương trình cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, đích thân bộ trưởng đã ký công bố chương trình cắt giảm, đích thân chủ trì các cuộc họp bàn thảo, đưa ra thời hạn cho các đơn vị thực hiện và cũng là người trực tiếp nhận trách nhiệm trước Chính phủ.
Hay như với ngành xây dựng, khi sửa đổi các luật để phù hợp với Luật quy hoạch, chính bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định sẽ sửa các điều kiện kinh doanh và đang đưa ra một chương trình cắt giảm được đánh giá là mạnh mẽ và đầy tham vọng.
Rõ ràng, nỗ lực cải cách để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch phải bắt đầu từ người đứng đầu.
Nếu ở đâu chưa có người đứng đầu mạnh dạn và quyết liệt trong cải cách thì ở đó chưa thể có đột phá và đổi mới. Bởi chỉ có những tư lệnh ngành mới có được đủ quyền hạn để thúc đẩy bộ máy cồng kềnh, nặng nề đang bị níu kéo bởi lợi ích.
Nghị định 15 năm 2018 thay thế nghị định 38 quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm vừa được Chính phủ ban hành được doanh nghiệp xem là bước thay đổi đột phá, là "món quà quý giá" của Chính phủ nhưng quá trình thảo luận là "hành trình không hề dễ dàng", khi mà cơ quan quản lý không muốn mất đi quyền, lợi ích, cách thức quản lý quen thuộc.
Với cách thức quản lý mới, thay vì mỗi lần doanh nghiệp công bố sản phẩm phải làm hồ sơ, đi lại hàng tháng trời, chi phí lớn mà hiệu quả quản lý không cao, thì nay doanh nghiệp được trao quyền tự công bố và cơ quan quản lý tập trung hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại nguồn.
Thế nhưng người dân, doanh nghiệp kỳ vọng sự thay đổi phải triệt để và nhanh chóng đi được vào cuộc sống để doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi thực sự, chứ không chỉ nằm trên giấy.
Ngay với nghị định 15, mặc dù đã có hiệu lực từ ngày 2-2-2018 nhưng một số nơi vẫn nói "chưa biết", chưa được triển khai hay "tìm cách trì hoãn".
Hay nghị định 113/2017 dù đã có những cải cách rất tích cực về thủ tục khai báo hóa chất, nhưng lại phát sinh trường hợp doanh nghiệp phải trưng cầu giám định mới xác định được có phải khai báo hay không nếu mặt hàng là "hỗn hợp chứa các chất thuộc danh mục hóa chất phải khai báo". Điều này gây tốn kém thêm thời gian, tức là đẻ ra thủ tục mới.
Do đó, thước đo quan trọng nhất của chương trình cải cách, cũng là thước đo uy tín trong lời nói, việc làm của mỗi tư lệnh ngành, phải là kết quả chứng minh bằng thực tiễn chứ không chỉ dừng lại ở tuyên bố cắt giảm. Có nghĩa, không chỉ là ban hành văn bản tốt mà cần phải thúc đẩy quá trình thực thi có hiệu quả.
Rõ ràng, người đứng đầu bộ ngành phải vượt lên chính lợi ích của mình, bộ ngành mình để nói đi đôi với làm, hiệu quả công việc phải được đo đếm bằng lợi ích thiết thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận