Ngày 6-11, ông Nguyễn Văn Mẫn - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang - cùng các đơn vị liên quan đã có buổi làm việc với các huyện, thị phía tây tỉnh Tiền Giang về công tác phòng, chống hạn, mặn mùa khô 2023-2024.
Theo ông Mẫn, nếu không có phương án chủ động phòng, chống hạn, mặn từ sớm, từ xa thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho vùng cây ăn trái các huyện phía tây, đặc biệt là cây sầu riêng.
Tại buổi làm việc, ông Mẫn đã thống nhất vị trí đắp 3 đập thép nhằm ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng trồng sầu riêng của huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.
Theo đó, 3 đập thép ngăn mặn trên địa bàn huyện Cai Lậy bao gồm Trà Tân, Ba Rài, Phú An với tổng dự toán đầu tư khoảng 34 tỉ đồng. Với số lượng cừ thép tỉnh hiện có, tỉnh cần chi khoảng 6 tỉ đồng để mua cừ thép.
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 tại tỉnh Tiền Giang có khả năng ở mức cao hơn năm 2015 - 2016, trường hợp cực đoan kéo dài xâm nhập mặn có khả năng tương đương như mùa khô 2019 - 2020, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công và diện tích vườn cây ăn trái ở các huyện phía tây.
Đặc biệt sẽ gây tình trạng thiếu nước ngọt làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ở các địa phương phía đông của tỉnh.
Tỉnh Tiền Giang đã đưa ra nhiều giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó như thực hiện đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng, sửa chữa kịp thời các cống không đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt.
Trong khi đó, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre cũng đưa ra dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu, kéo dài trên địa bàn tỉnh Bến Tre ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015- 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận