Họa sĩ Lê Thiết Cương và ca sĩ Giang Giang - Ảnh: An An
Trong 7 năm qua, Giang Trang luôn luôn được biết tới là ca sĩ chỉ hát duy nhất nhạc Trịnh. Thực tế rằng không chỉ hát, đó là quãng thời gian cô tìm hiểu, thử nghiệm nhạc Trịnh Công Sơn trên nền tảng giai điệu và ca từ.
Mỗi khi khám phá ra những "thuộc tính" mới ở âm nhạc của người mà cô yêu quý cả ở tài năng và nhân cách, cô thường ghi dấu lại điều đó bằng những album hay đêm nhạc riêng.
Hạ huyền 2 Giang Trang
Đêm nhạc Nguyệt hạ 2 lần này là cuộc đối thoại giữa giọng hát Giang Trang và nhạc cụ để đi tìm và khám phá vẻ đẹp lặng lẽ và tối giản của âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Điểm mới của không gian Nguyệt hạ 2 so với đêm nhạc trước vào năm 2016 là tinh thần chơi nhạc ngẫu hứng và tự do đến từ các nghệ sĩ chơi thuần chất nhạc jazz, 3/4 trong số đó là những thành viên cũ của ban nhạc Phương Đông.
Giọng hát Giang Trang sẽ giao hòa trong không gian sân khấu tối giản của Lê Thiết Cương bởi Giang Trang tìm đến Lê Thiết Cương chính là tinh thần tối giản đến tận cùng trong ngôn ngữ biểu đạt.
Điểm đặc biệt khác là lần này họa sĩ Lê Thiết Cương không chỉ đảm nhận vai trò thiết kế mỹ thuật, anh còn là đạo diễn của chương trình.
Giang Trang
Bên cạnh những bài hát quen trở đi trở lại trong các đêm nhạc, album của Giang Trang như Rừng xưa đã khép, thì Nguyệt hạ 2 là "cuộc chơi" ngẫu hứng, khoáng đạt của những bài hát lần đầu cô thể hiện trên sân khấu như Đêm thấy ta là thác đổ, Bay đi thầm lặng, Ướt mi, Khói trời mênh mông, Ru em từng ngón xuân nồng, Phôi pha...
Tất cả đều được phối trên tinh thần thử nghiệm nhạc Trịnh của Giang Trang.
"Tôi không có cơ hội biết về một Trịnh Công Sơn trong đời thường. Tôi chỉ may mắn được gặp những người thân trong gia đình Trịnh Công Sơn. Tôi thích Trịnh Công Sơn ở góc nhìn là một người tự do tuyệt đối, dám tự do tuyệt đối. Ông là người, như tôi được nghe kể và đọc, là rất hay nói câu "thôi kệ!" trước những phản trắc của cuộc đời", nữ ca sĩ từng chia sẻ.
Giáo sư Cao Huy Thuần bàn về Trịnh Công Sơn qua đêm Hạ huyền 2 ở Paris (2015):
"Hát Trịnh Công Sơn thì phải "cúi xuống, cúi xuống thật gần". Gần cái gì? Gần trái tim. Để làm gì? Để "nghe tim rạng vỡ", nghe "đau thương trong tuổi nhỏ khóc òa". Nhạc Trịnh Công Sơn thường buồn như vậy, như nỗi lòng kể trong bóng tối. Kể nhỏ nhỏ, thầm thì.
Nhưng có một điều rất lạ, đặc biệt trong ca từ Trịnh Công Sơn: nghe giọng buồn mà ta không chìm xuống, ngược lại, vẫn thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, thinh không.
Nhạc và lời ca vừa bay lên vừa bay vào. Bay lên trong chỗ Đẹp, chỗ Cao Sang, chỗ Tha Thứ, chỗ Giải Thoát. Và đồng thời bay vào, vào chỗ tối trong tim các anh chị, chỗ hiu quạnh, chỗ ngây ngô. Chỗ đau.
Mong các anh chị thưởng thức được nét tuyệt diệu đó của bài hát "Trong nỗi đau tình cờ" qua giọng hát của Giang Trang và phối khí mê hoặc của anh Thanh Phương."
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận