05/05/2024 09:00 GMT+7

Cà Mau hạn nặng, nhiều dòng sông cạn khô nước, trơ đáy

Cà Mau là tỉnh thứ 3 trong khu vực ĐBSCL công bố hạn hán khẩn cấp mức 2 ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Ông Lâm Văn Hậu bên đồng lúa cháy. Đây đã là vụ lúa thứ 3 thất bát của ông Hậu - Ảnh: THANH HUYỀN

Ông Lâm Văn Hậu bên đồng lúa cháy. Đây đã là vụ lúa thứ 3 thất bát của ông Hậu - Ảnh: THANH HUYỀN

Những ngày qua một số nơi ở khu vực ĐBSCL có mưa. Thế nhưng tại huyện U Minh và Trần Văn Thời, các dòng sông vẫn cạn khô nước, trơ đáy. 

Nắng, hạn còn làm vùng ngọt duy nhất của tỉnh Cà Mau xuất hiện hơn 600 điểm sạt lở, sụt lún đất, giao thông tê liệt, sản xuất đình trệ, hàng ngàn người dân thiếu nước sử dụng. Cuộc sống người dân đang lay lắt đợi mưa.

Khô nước, cạn tiền

Đầu tháng 5 mà nơi này trời vẫn nắng như đổ lửa. Con đường nhựa trước dãy nhà dân như có khói bốc lên. Anh Võ Thanh Thoảng, ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, nằm võng bên hiên nhà. Kế bên là bốn người bạn trong đội cắt cây thuê với anh Thoảng đang ngồi ngáp ruồi, chờ người kêu đi làm thuê.

Trong lòng anh Thoảng và những người bạn ở xóm rừng này dường như còn nóng hơn cái nắng ngoài kia. Bởi hơn bốn tháng nay, các anh chỉ đi làm cầm chừng, ngày nào chủ rừng thuê chặt cây thì kiếm được khoảng 100.000 đồng. 

Ngày nào chủ rừng không thuê do nước cạn không vận chuyển được thì coi như cả đội đi bẻ rau muống dưới lòng sông khô nước về luộc ăn với cơm để cầm cự đợi mưa.

Cách cánh rừng bạt ngàn không xa là những cánh đồng lúa khô cằn nứt nẻ. Chị Lâm Thị Cam, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, có hơn 2.400m2 đất trồng lúa. Cả gia đình bốn miệng ăn phải trông chờ vào đám ruộng này. Vụ đông xuân lúa nhà chị Cam bị sập nên bán không được giá, cuối vụ sau khi trừ hết chi phí, còn dư được vài bao lúa để dành ăn.

Thấy giá lúa tăng cao nên chị Cam cùng chồng và các con quyết tâm làm thêm vụ 3 để kiếm lời. Tuy nhiên, lời đâu không thấy chỉ thấy vợ chồng con cái hơn một tháng trời ngoài ruộng làm đất, gieo sạ, nhổ cỏ, bón phân mà không cắt được hạt lúa nào vì không có nước tưới, lúa chết cháy. Tổng thiệt hại hơn 5 triệu đồng.

Những hộ dân khác nơi đây cũng gặp cảnh tương tự. Chỉ tính riêng huyện Trần Văn Thời có khoảng 60ha lúa vụ 3 chịu ảnh hưởng do thiếu nước. Thế nhưng trớ trêu thay, có làm ra hạt lúa cũng bị ép giá vì sông cạn, đường hư, ghe không vào được nên muốn bán lúa, nông dân phải thuê xe máy vận chuyển ra lộ lớn.

"Chỉ tính riêng xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời người nông dân bán mỗi ký lúa phải mất thêm khoảng 1.000 đồng cho vận chuyển. Tính ra dân quê tui mất khoảng 34 tỉ đồng", ông Phạm Thành Được - chủ tịch UBND xã Khánh Hải - giãi bày.

Là người Kinh nhưng mỗi năm tụi tui có tới hai cái Tết. Cái Tết truyền thống và cái Tết thứ hai là khi mùa mưa bắt đầu bởi lúc đó mừng, vui như Tết vì có việc để mần.
Anh Võ Thanh Thoảng (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau)

Xóm chuộng đồ màu

Thiếu nước canh tác nông nghiệp đã đành, người dân khu vực trên còn không đủ nước để sinh hoạt hằng ngày. Chỉ tay về phía sào phơi quần áo, chị Phạm Như Ý, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, than: Xóm này dân toàn xài nước dưới ao đìa kênh rạch, do khoan giếng không có nước ngọt, còn nước máy bao năm rồi chỉ nghe nói chưa thấy đâu. Mà nước ao đìa thì cạn, phèn, mặn nên ai cũng mặc đồ màu mè, không dám mua đồ trắng.

"Con em có mấy bộ đồ trắng đi học, đem giặt nước phèn, mặn nên giờ nó chuyển qua màu cháo lòng hết rồi. Em hổng cần sơn móng nhưng tay chân cũng ánh vàng vì cáu phèn. Đẹp hông!?", chị Ý lật bàn tay, tếu táo khoe.

Kể về những khó khăn trong mùa khô hạn, bà Nguyễn Thị Nhung, ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, cho biết mình sống từ lâu ở nơi này cũng quen với cảnh xài nước tằn tiện nhưng chỉ tội mấy đứa nhỏ. Kéo tay đứa cháu ngoại hơn 3 tuổi lại gần, bà Nhung chỉ ra những chỗ ngứa hằng đêm bé gãi rướm máu vì thiếu nước tắm gội. "Tụi nó đâu được chọn nơi sinh ra, chỉ mong sau này Nhà nước có cách nào để giúp cho dân bớt khổ chớ làm sao bỏ xứ mà đi được", bà Nhung ước muốn.

Theo thống kê sơ bộ, tỉnh Cà Mau có khoảng 2.600 hộ dân đang phải đối mặt với cảnh thiếu nước sinh hoạt, một số hộ dân dùng nước ao đìa, kênh rạch để lắng lại tắm giặt và mua nước từ nơi khác chở đến bán với giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/m3 để ăn uống.

Ông Hồ Tương Lai - phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận - thông tin từ đầu mùa khô địa phương đã có rà soát ở xã có hơn 550 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Địa phương cũng tích cực vận động, tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ nơi khác, các tổ chức, cá nhân giúp bà con có nước sạch để xài. Hiện tại xã còn khoảng 390 hộ dân thiếu nước và chính quyền cũng đang lo để hỗ trợ người dân.

Tình người trong thiên tai

Trước cảnh nhiều người dân Cà Mau thiếu nước sạch sử dụng, tàu vận tải của Quân khu 9 đã chia ra nhiều đợt chở hơn 1.700m³ nước ngọt cấp miễn phí cho người dân vùng khô hạn.

Bên cạnh đó, Hải quân vùng 5 cũng điều tàu vận tải chở theo hơn 300m3 nước để cấp tiếp tục cho người dân các xã thuộc địa bàn huyện U Minh, Trần Văn Thời để người dân khắc phục khó khăn về thiếu nước trong sinh hoạt.

Những ngày qua Công an tỉnh, các tổ chức đoàn thể, cá nhân cũng cùng chung tay, hướng về vùng khô hạn để cấp nước uống miễn phí cho những người dân vùng thiếu nước ngọt sử dụng.

Bạn trẻ xắn tay san sẻ nước sạch tới vùng hạn mặn ở miền TâyBạn trẻ xắn tay san sẻ nước sạch tới vùng hạn mặn ở miền Tây

Nghe tin xâm nhập mặn năm nay ở một số tỉnh miền Tây khá nghiêm trọng, anh Phong chở nước lần lượt tới hai nơi đang thiếu nước ngọt khẩn cấp là Gò Công Đông và cù lao Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên