Thủ tướng Anh Theresa May trên xe bên ngoài Hạ viện hôm 27-3 - Ảnh: REUTERS
"No! No! No! No! No! No! No! No!...". Đó là cụm mở đầu trong tiêu đề bài viết trên báo Daily Mail (Anh) đêm 27-3 (giờ địa phương). Tám chữ "không" ấy đại diện 8 đề xuất của các nghị sĩ Quốc hội Anh, và chẳng cái nào được chấp thuận cả.
"Một ngày làm thủ tướng"
Truyền thông Anh trải qua 24 giờ căng như dây đàn, và gần như lời lẽ từ các mặt báo cũng mất bình tĩnh với diễn biến như một cuốn phim ở Quốc hội. Đêm 27-3, Thủ tướng May gần như tuyệt vọng với lời đề nghị cuối cùng: làm ơn thông qua đề xuất Brexit, rồi tôi từ chức cũng được.
Sự tuyệt vọng của bà May bắt đầu từ cuộc bỏ phiếu ngày 25-3, khi các bên nhất trí tiếm quyền thủ tướng ở một sự kiện cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử nước này.
Chương trình "Một ngày làm thủ tướng" của các nghị sĩ Quốc hội bắt đầu vào ngày 27-3, sau khi Đảng DUP thẳng thừng nói ngay sẽ không ủng hộ Thủ tướng May dù bà có từ chức hay không, vì đề xuất của bà "đe dọa tính toàn vẹn của Vương quốc Anh".
Có tổng cộng 8 lựa chọn thay thế đề xuất của bà May được đưa ra trong "Một ngày làm thủ tướng". Và trớ trêu, chẳng đề xuất nào trong số ấy được ủng hộ đủ để thông qua. Phương án có vẻ được tán đồng cao nhất là bỏ phiếu trưng cầu lại về việc rời EU cũng thua với 268 phiếu thuận/295 phiếu chống.
Điểm đặc biệt và cực kỳ hài hước, trong khi Quốc hội Anh và nội các của bà May cứ tranh cãi và làm gián đoạn tiến trình rời EU thì chẳng ai trong số này muốn Anh ra đi mà không kèm theo thỏa thuận nào.
Nói dễ hiểu, ai cũng cố ngăn cản các phương án khác, dẫn tới tình trạng trì trệ và đẩy nước Anh vào thế phải rời EU không thỏa thuận, nhưng phương án "dứt tình" này (Không thỏa thuận nào hết - No Deal) nhận phản đối nhiều nhất: 160 phiếu thuận, 400 phiếu chống.
Đồ họa: NHƯ KHANH
Bế tắc kéo dài
Trong khi bà May mất uy tín dữ dội ngay trong Đảng Bảo thủ của mình lẫn Quốc hội, thì việc bà tuyên bố "quyết tử" cùng Brexit lại khiến các bên lo ngay ngáy. Các tờ báo ủng hộ lẫn phản đối việc rời EU đều bình luận rằng việc bà May từ chức không giải quyết được vấn đề.
Đúng dự kiến, Đảng Bảo thủ sẽ phải tìm lãnh đạo mới và thủ tướng mới vào đầu tháng 7. Mốc thời gian này đặt ra nhằm đảm bảo nước Anh có lãnh đạo cho một cuộc họp quan trọng mới của EU sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Trên tất cả, sau khi Brexit thành công, nước Anh vẫn cần thủ tướng và thậm chí một bộ trưởng phụ trách Brexit mới để bước vào vòng đàm phán Brexit thứ hai với EU. Có nghĩa là nước Anh có 6 tuần để bầu lãnh đạo mới.
Nhưng xét tình hình hiện tại, chuyện người Anh bầu lãnh đạo mới gấp rút sẽ càng có lý do khiến người khác lo ngại về bế tắc tiếp theo với EU.
Lấy ví dụ rõ ràng nhất, tân thủ tướng Anh phải là người dung hòa lợi ích của các đảng, bao gồm DUP ở Bắc Ireland, những người không tán đồng phương án backstop - cơ chế tránh các hoạt động kiểm tra cửa khẩu biên giới ở vùng Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
Trong khi DUP thực tế muốn Brexit nhẹ nhàng hơn, tức rời EU nhưng không "dứt tình đoạn nghĩa" mà phải giữ lại lợi ích kinh tế, họ lại không muốn backstop biến thành chốt chặn mờ làm ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của Vương quốc Anh.
Để giải quyết rốt ráo hơn các rào cản hiện tại, có lẽ Anh cần một đảng mới lãnh đạo thay vì Đảng Bảo thủ như hiện nay. Song cuộc bầu cử tiếp theo ở Anh chỉ có thể diễn ra vào năm 2022. Trong ba năm nữa, dường như mọi thứ sẽ không có bước ngoặt nào đủ để xoay chuyển tình hình. Điều đó cũng có nghĩa việc ai làm thủ tướng thay bà May thì cũng... thế thôi.
Như cây bút Martin Kettle bình luận trên Guardian: "Nếu chúng ta thiếu khôn ngoan và may mắn, như những gì có thể diễn ra với một lãnh đạo Bảo thủ mới, thì xung đột này (sự chia rẽ ở nước Anh về Brexit) có thể trở nên khó khăn hơn nữa để hòa giải".
The end of May
Thủ tướng Anh Theresa May trên xe bên ngoài Hạ viện hôm 27-3 - Ảnh: REUTERS
Báo chí Anh ngày 28-3 sáng tạo hàng loạt dòng tít về tình trạng bế tắc của Brexit. Tờ Guardian viết: "Quốc hội cuối cùng cũng cất tiếng: Không. Không. Không. Không. Không. Không. Không. Không". Tờ Mirror trong khi đó chơi chữ khá độc đáo: "The end of May".
Thủ tướng May có họ trùng với chữ "tháng Năm" trong tiếng Anh. Vì bà tuyên bố sẽ từ chức sau khi Brexit thông qua, nên cụm "The end of May" vừa có nghĩa là "Cuối tháng 5" theo hạn chót rời EU dự kiến ngày 22-5, vừa mang nghĩa "Cái kết của bà May".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận