12/12/2014 09:10 GMT+7

​Bớt kỳ thị, tăng giúp đỡ người cai nghiện

VŨ THỦY - HÀ CHÂU ghi
VŨ THỦY - HÀ CHÂU ghi

TT - Tiếp tục bàn các giải pháp nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho người cai nghiện ma túy để giúp họ không bị tái nghiện, chúng tôi giới thiệu thêm các ý kiến về sàng lọc để áp dụng nhiều hình thức cai nghiện, bớt sự kỳ thị và tăng sự giúp đỡ từ cộng đồng.

Dạy nghề gấp hoa giấy cho bệnh nhân cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long
Dạy nghề gấp hoa giấy cho bệnh nhân cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long

* Ông NGUYỄN THÀNH TÀI (nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM):

Áp dụng nhiều hình thức cai nghiện

Trước đây vấn đề sàng lọc, phân loại người nghiện để có các giải pháp hỗ trợ riêng cho từng nhóm khi đưa vào các trung tâm cai nghiện đã được đặt ra, nhưng khi đó TP.HCM tập trung giải quyết tới 32.000 người nghiện, làm một cách ồ ạt để giải quyết tình hình trật tự xã hội trước mắt nên vẫn chưa làm đúng tinh thần này. Đến nay, TP cần xem xét toàn diện đề án, bổ sung việc phân loại: người nghiện trẻ, người nghiện có nghề nghiệp chuyên môn, sinh viên, học sinh, người mới nghiện lần đầu... 

Phải làm đồng thời nhiều hình thức cai nghiện khác nhau, không phải tất cả đều tập trung vào các trường, trung tâm. Nếu gia đình có điều kiện, hợp tác tốt thì cho người nghiện về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. TP cần mở ra những trường lớp tự nguyện, có trả phí để gia đình đưa con em họ vào. 

Trường hợp sau cai đưa về mà có nguy cơ tái nghiện cao thì đưa vào chương trình cai nghiện thay thế bằng methadone. Còn nếu đã thuộc diện “đi vào, đi ra trung tâm như cơm bữa” thì cần phân loại riêng.

Đối với công tác cai nghiện, cắt cơn chỉ là một phần nhỏ, 4-5 ngày cũng đã có thể cắt cơn nhưng tại sao cần đến hai năm? Bởi người nghiện là người bệnh đặc biệt, nhiều người bị suy kiệt, nhiễm HIV, lao phổi... cần thời gian để phục hồi sức khỏe. Đồng thời đây cũng là khoảng thời gian để họ điều chỉnh nhân cách. Mà việc này không phải ngày một ngày hai. Đây cũng chính là vấn đề tâm lý. 

Cuộc sống tập thể, ăn có giờ, ngủ có giấc, lao động tập thể, tập luyện thể dục thể thao dần giúp họ điều chỉnh lại cuộc sống buông thả. Những buổi học văn hóa, lịch sử, tiếp xúc trao đổi là để giải tỏa sự ngăn cách, khép kín của người nghiện đối với cộng đồng. Đối với người nghiện, rèn giũa nhân cách, dạy cho họ một cái nghề, dạy từ người mù chữ để biết chữ đã là một thắng lợi lớn.

Trước nay nói về vấn đề nghiện ma túy, chúng ta vẫn nói xã hội lo lắng, người dân lo lắng. Bây giờ chúng ta cần nói thêm về bi kịch của những gia đình có người nghiện để xã hội hiểu và chia sẻ nỗi thống khổ của họ và nhất là có thể cảm thông, tích cực hỗ trợ người sau cai nghiện. Quan trọng hơn hết là cần tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Cai nghiện hai năm, bốn năm rồi về mà xã hội đầy rẫy tệ nạn, đầy rẫy văn hóa độc hại, thiếu lành mạnh từ phim ảnh, sách báo cho đến các sân chơi dành cho giới trẻ thì người nghiện không thể thoát nghiện được.

* Ông TRẦN NGỌC DU (chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM):

Nâng cao chất lượng dạy nghề

Để có thể chữa trị cho người nghiện ma túy, cần tới một hệ thống tổng thể các giải pháp. Cắt cơn nghiện chỉ là giai đoạn đầu tiên, tiếp theo là đưa vào các chương trình giáo dục, tư vấn kiến thức về luật pháp, giá trị sống... để họ tái hòa nhập cộng đồng, cụ thể hơn nữa là định hướng các ngành, nghề mà họ có thể làm để có cuộc sống ổn định, duy trì được kết quả cai nghiện.

Chính vì thế, nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho người nghiện, tăng cường hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện cũng là một trong những mục tiêu được đưa vào kế hoạch thực hiện đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 tại TP.HCM. 

Cụ thể, TP sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng công tác dạy nghề trong các trung tâm điều trị nghiện theo hướng phù hợp với nhu cầu của người nghiện, tổ chức thí điểm dạy nghề kèm cặp cho người sau cai nghiện vào học nghề và làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP... Bên cạnh đó, TP sẽ triển khai, nhân rộng các mô hình, biện pháp hỗ trợ người nghiện học nghề, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện.

* Ông TRẦN VĂN THÔNG (cán bộ phụ trách cai nghiện ma túy Phòng Lao động - thương binh và xã hội Q.4, TP.HCM):

Được tôn trọng sướng hơn phê ma túy

Hơn chục năm làm công tác cai nghiện, tôi ghi nhận nhiều trường hợp cai nhiều năm vẫn không tái nghiện. Chính người nghiện tâm sự với tôi rằng đam mê ma túy nó dữ dội lắm, nhưng đến khi họ thoát được, được tôn trọng, giúp đỡ thì cảm giác còn sướng hơn cả phê ma túy. Do đó, điều quan trọng là gia đình, xã hội cần dang tay giúp đỡ họ.

* Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG:

Tạo môi trường sống không kỳ thị

Tình trạng người nghiện sau cai lại tái nghiện xảy ra khá nhiều, nguyên nhân chủ yếu là việc hòa nhập cộng đồng mà sự kỳ thị của người dân địa phương nơi người nghiện sau cai cư trú là gốc rễ của vấn đề.

Người nghiện thường bị chính cộng đồng nơi mình sinh sống đối xử khác, từ giao tiếp đến công việc. Những người không nghiện không muốn làm chung với người sau cai nghiện vì sợ liên lụy, sợ những người này bị nhiễm HIV, rồi sợ bị trộm cắp và tai họa... Ngoài sự kỳ thị của cộng đồng, chính quyền địa phương cũng chưa tạo điều kiện tốt để tạo được môi trường mới cho người sau cai nghiện, mà để mặc họ làm gì thì làm.

Theo tôi, nếu không giải quyết được hai vấn đề trên thì việc thực hiện cai nghiện có tốt bao nhiêu cũng khó hạn chế được tình trạng tái nghiện. Do vậy, địa phương phải nắm bắt tâm tư tình cảm, giúp người cai nghiện hòa nhập với công việc, sinh hoạt... Địa phương cũng cần phải có chính sách cụ thể tạo môi trường thân thiện đối với người sau cai, để họ có thể hòa nhập với công tác địa phương. Thậm chí, nếu được thì địa phương nên ưu tiên và tạo điều kiện để những người sau cai nghiện có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập nhưng không tách biệt họ khỏi cộng đồng để giúp họ chuyển hóa, hòa nhập dần dần vào cộng đồng dân cư.

VŨ THỦY - HÀ CHÂU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên