08/03/2018 09:06 GMT+7

Bớt 'kỳ thị' người giàu sẽ có thêm nhiều tỉ phú đôla 'lộ diện'?

THÚY LINH (ghi)
THÚY LINH (ghi)

TTO - Việt Nam có 4 tỉ phú USD cho thấy người Việt ngày càng giàu có . Nhưng người giàu vẫn còn bị "kỳ thị" vì thế cần làm gì để họ "lộ diện" đường đường chính chính?

Bớt kỳ thị người giàu sẽ có thêm nhiều tỉ phú đôla lộ diện? - Ảnh 1.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng có tài sản lên tới 4,3 tỉ USD, xếp thứ 499 trong danh sách người giàu nhất thế giới - Ảnh: ANH TUẤN

Mặc dù khoảng cách giữa nhóm người nghèo nhất và nhóm người siêu giàu có giãn ra nhưng sự giàu có của một bộ phận trong xã hội chắc chắn sẽ kéo những bộ phận khác đi lên.

Niềm vui trên là nói trên sự lý tưởng nhưng vẫn có suy nghĩ trăn trở khi điều kiện môi trường kinh tế, thể chế của chúng ta chưa thực sự hỗ trợ cho doanh nghiệp, người giàu đóng góp nhiều hơn cho xã hội.  

Doanh nghiệp lớn thường xuyên đối diện với việc bị thanh tra kiểm tra. Điều này sẽ không nuôi dưỡng để người ta trở nên lớn mạnh và khi lớn họ rất ngại lộ diện vì sợ bị làm phiền.

Chính sách vẫn chưa thực sự kuyến khích người ta làm việc, khi lớn tới một mức độ nào đó họ muốn ra nước ngoài làm ăn để có nhiều tài sản hơn.

Chính vì vậy, muốn có thêm nhiều DN lớn, thêm nhiều người giàu, Việt Nam phải điều chỉnh chuyển đổi theo hướng "thể chế dung hợp" như trong cuốn sách "Tại sao các quốc gia thất bại" đã đề cập.

Bớt kỳ thị người giàu sẽ có thêm nhiều tỉ phú đôla lộ diện? - Ảnh 2.

4 tỉ phí đôla của Việt Nam Trần Đình Long, Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Nhật Vượng và Trần Bá Dương

Trong đó, đi vào vi mô, Việt Nam cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm tham nhũng.

Hiện nay, môi trường kinh doanh được cải thiện tích cực nhưng liên quan tới quản trị nhà nước, cải cách thể chế, cải cách bộ máy hành chính nhà nước... vẫn còn nhiều điều phải làm.

Việt Nam cần tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng minh bạch, kiểm soát quyền lực của khu vực công.

Tạo ra quyền lực, phải kiểm soát quyền lực trước, sau đó mới trao quyền lực. Hiện, chúng ta vẫn làm ngược lại, cứ tạo ra quyền lực phổ biến, đại trà, không có cách thức kiểm soát quyền lực, dẫn tới lạm quyền.

Mặt khác, người giàu có nguồn lực nên đôi khi họ thuê luật sư, giới tư vấn giỏi nhằm giúp họ trốn thuế, tối ưu hoá nghĩa vụ tài chính với nhà nước, tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội về nghĩa vụ thuế.

Đây là nỗi lo mà chúng ta luôn canh cánh. Tuy nhiên, không phải Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều gặp phải tình trạng trên.

Tỉ phú người Mỹ Warren Buffet từng nói rằng: Số thuế hàng năm mà ông phải đóng ít hơn cả thư ký của mình, vì vậy ông sẽ đi đầu và mong các tỉ phú trên thế giới hãy noi gương mình đóng thuế nhiều hơn cho nhà nước.

Bởi vậy, chúng ta đừng quá nặng nề để tìm kiếm giải pháp đối xử thuế công bằng ngay tức khắc. Đây là vấn đề khá phức tạp, thay vào đó, chúng ta cần cải thiện chính sách làm sao để người giàu muốn tự nguyện cống hiến nhiều hơn cho xã hội như vị tỉ phú Warren Buffet.

Trên thực tế hiện nay, việc tôn vinh người giàu, các chính sách để người giàu phát triển và cống hiến cho đất nước vẫn chưa tương xứng. Văn hoá kỳ thị người giàu nhiều khi đang tạo ra cản trở phát triển đất nước.

Cần hiểu rằng không phải người giàu nào cũng xấu, người giàu nào cũng đáng gét, như bộ phim "Người giàu cũng khóc" từng đề cập, người giàu cũng có nhiều nỗi khổ, họ giàu về tiền bạc nhưng còn thiếu nhiều thứ khác.

Vì vậy, nếu người ta giàu có vì họ tài năng, làm ăn minh bạch, chúng ta phải tôn vinh, khuyến khích hỗ trợ. Tinh thần đó phải được lan toả.

Mặt khác, còn giàu mà làm ăn phi pháp phải xử lý. Nghi ngờ phi pháp phải thận trọng tôn vinh; tránh tình trạng tôn vinh những người không đáng tôn vinh, bỏ qua những người đáng được tôn vinh.

ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (Đại học Fulbright Việt Nam)

THÚY LINH (ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên