20/09/2017 17:49 GMT+7

​Bối rối với khái niệm 'chuyên gia Việt kiều'

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Khi được hỏi, có chuyên gia nói: "Tôi không phải Việt kiều. Tôi là người Mỹ gốc Việt!".

​Bối rối với khái niệm chuyên gia Việt kiều - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Dương Minh Tâm - phó ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) - kể câu chuyện trên trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và đoàn lãnh đạo TP tại SHTP sáng 20-9.

Ông Tâm cho biết ở SHTP hiện có khoảng 40-50 chuyên gia Việt kiều đang làm việc toàn phần và hơn 20 chuyên gia làm việc theo cơ chế cộng tác viên. Theo ông, có những từ như "Việt kiều" cũng nên xem lại. 

"Chúng tôi cũng bối rối chuyên gia Việt kiều thì định nghĩa như thế nào", ông Tâm nói.

Mặc dù còn "bối rối" như vậy nhưng SHTP là một trong những đơn vị làm tốt công tác thu hút chuyên gia nước ngoài. 

​Bối rối với khái niệm chuyên gia Việt kiều - Ảnh 2.

Một góc Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết trong bốn đơn vị thí điểm thực hiện quy chế thu hút chuyên gia, gồm SHTP, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện khoa học công nghệ tính toán, Trung tâm công nghệ sinh học thì SHTP là đơn vị được đánh giá làm tốt.

SHTP đánh giá hoạt động của các chuyên gia này đóng vai trò rất quan trọng trong các doanh nghiệp. 

Trong năm 2013, tiến sĩ Iftikar Amed Gul (quốc tịch Mỹ) được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc Phòng thí nghiệm Bán dẫn, đến nay chuyên gia này đã có các đóng góp quan trọng cho phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn tại SHTP với kết quả các sản phẩm linh kiện công nghệ mới.

Số cộng tác viên chuyên gia nước ngoài được mời tư vấn cho phát triển SHTP như GS Nayfeh (Đại học Illimois - Mỹ), PGS. Takeuchi (Đại học Ritsumeikan - Nhật), TS. Hal Raveche (Mỹ), TS. Nguyễn Cát Tiên (Viện Nano California, được bổ nhiệm giám đốc Phòng Thí nghiệm Nano), GS. Sugiyama, ThS Nakamura, TS. Hoàng Thế Bân (Viện AIST, Tsukuba)…

Từ các đóng góp này, SHTP đã quy hoạch riêng một khu R&D, đào tạo, sản xuất cho các công ty Việt Kiều, được gọi là Saigon Silicon City với diện tích 52 ha, dự kiến thu hút khoảng 20 doanh nghiệp Việt kiều Mỹ với tổng vốn 2 tỉ USD trong 3 năm tới đây.

​Bối rối với khái niệm chuyên gia Việt kiều - Ảnh 3.

Đại diện Saigon Silicon City giới ​thiệu sản phẩm điện tử cho nhà thông minh với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: TỰ TRUNG

​Bối rối với khái niệm chuyên gia Việt kiều - Ảnh 4.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thăm công ty Minh Nguyên - Ảnh: TỰ TRUNG

Trước đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã tham quan Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên và khu công viên Sài Gòn Silicon (Saigon Silicon City).

Hiện nay công ty Minh Nguyên đang tập trung sản xuất chủ yếu các linh kiện nhựa kỹ thuật cao cho tivi, màn hình cung cấp cho Tập đoàn Samsung ở các thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ.

Công ty đang được Samsung duyệt thực hiện trên 180 loại chi tiết linh kiện nhựa, trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung.

Saigon Silicon City có tổng diện tích 52ha, được Thị trưởng San Francissco sang trao chứng nhận là mô hình Silicon, được các doanh nghiệp Việt kiều đang làm việc tại Silicon Valley (Mỹ) ủng hộ. 

Tại đây có công ty đầu tư tài chính phát triển công nghệ cao do bà Mai Thị Kim Chung làm giám đốc, với quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao và lưu ý TP ưu đãi với loại hình này.


MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên