Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và xử lý 12 dự án thua lỗ - Nguồn: VTV
Xem xét cả về trách nhiệm lẫn yếu tố hình sự
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả đang được Chính phủ chỉ đạo rất mạnh mẽ, quyết liệt.
"Năm 2018 - 2019 sẽ xử lý cơ bản và sẽ hoàn thành vào 2020 trên ba nguyên tắc lớn: đúng quy định luật pháp, trên nguyên tắc thị trường và nguyên tắc tự chủ nội tại của nền kinh tế chúng ta", bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ trưởng Công thương thông tin cụ thể: Đối với 6 dự án là các nhà máy phải dừng kinh doanh vì kém hiệu quả thì đến nay đã có 2 dự án, nhà máy đã bước đầu có hiệu quả tích cực, không còn lỗ nữa.
Hai dự án này nếu xem xét ở góc độ yêu cầu đưa ra là phải đảm bảo được yếu tố bền vững trong vấn đề phát triển thì hai nhà máy, dự án này đã đạt được yêu cầu đó.
"Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ đưa ra khỏi danh sách các dự án thua lỗ, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chỉ lấy thành tích mà là chính quyền tạo điều kiện cho các dự án này hòa nhập với đời sống cộng đồng kinh tế, có điều kiện khắc phục các tồn tại trước đây", ông Trần Tuấn Anh nói.
"Điều kiện đưa ra là phải không còn nợ quá hạn, không còn nợ các tổ chức tín dụng. Hai là phải có phương án thương mại, tài chính và được các tổ chức tín dụng tài chính chấp nhận cho duy trì hoạt động. Ba là các nghĩa vụ tài chính ngân sách đối với Nhà nước, xã hội phải đảm bảo".
Về dự án DAP của Lào Cai, dự án DAP của Hải Phòng cũng như dự án của Thép Việt - Trung, bộ trưởng Bộ Công thương cho biết hiện đã cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. 4 dự án còn lại đã từng bước hoạt động, bắt đầu giảm lỗ, có lãi.
Ba dự án tiếp theo liên quan thì trong đó có dự án của Bình Phước cũng đã khôi phục được các động thái thương mại và từng bước tham gia vào thị trường, dự án của Bình Sơn thì bắt đầu tham gia sản xuất và cung ứng cho xã hội, ra sản phẩm và được chấp nhận.
Còn dự án ở Phú Thọ thì đây cũng là nội dung liên quan đến các vấn đề phức tạp khác như là dự án ở Thái Nguyên... thì có những vấn đề liên quan đến công nghệ hay là thậm chí vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh góc độ.
Những dự án này hiện đã có sự tham gia của các cơ quan điều tra Bộ Công an cũng như Thanh tra Chính phủ. Trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ cập nhật diễn biến đầy đủ.
"Tuy nhiên chúng tôi xin khẳng định rằng tất cả các dự án đều được xem xét rất tích cực, cả về trách nhiệm lẫn yếu tố hình sự của các tổ chức cá nhân liên quan", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh - Ảnh: VTV
Hàng hóa Việt Nam đã chen chân được vào chuỗi toàn cầu
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định chủ trương tái cơ cấu thương mại đã có nhiều điểm sáng: tăng trưởng đều trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ; công nghiệp chế tạo là nền tảng cho toàn ngành công nghiệp, mức tăng trưởng hàng năm cao, đóng góp rất lớn cho GDP và đóng góp ngày càng lớn vào tổng các mặt hàng xuất khẩu.
"Mặt hàng dệt may đang đứng thứ 7, một số yếu tố chúng ta xếp trong nhóm đứng đầu của thế giới. Mặc dù mới gia nhập thị trường nhưng sản phẩm của một số doanh nghiệp như ôtô Trường Hải, Vingroup đã có những đóng góp rất lớn vào lĩnh vực này", bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề cập đến tín hiệu tích cực trong chuyển dịch công nghiệp là dù hiện nay khối ngành kinh tế đầu tư nước ngoài đang có đóng góp rất lớn nhưng các doanh nghiệp đầu tư trong nước cũng đã bứt lên, đạt mức tăng trưởng tốt.
"Điều này cho thấy mức tăng trưởng giữa hai khu vực trong và ngoài nước đã có chuyển dịch, sản phẩm của doan nghiệp trong nước đã tham gia được vào chuỗi, hình thành chuỗi phụ trợ giữa khối doanh nghiệp trong - ngoài nước", bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Về cơ cấu xuất khẩu thương mại, bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng chúng ta cũng đã thực hiện đa phương hóa thị trường. Dù còn phụ thuộc tương hỗ vào các thị trường lớn nhưng chúng ta đã có sự đa dạng hóa. Hiện hàng hóa chúng ta đã xuất khẩu đến gần 200 nước trên thế giới. Tỉ trọng đã có chuyển dịch mạnh mẽ giữa các ngành, đóng góp lớn cho nguồn thu.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cơ cấu nguồn hàng cũng chuyển dịch mạnh mẽ, có 29 nguồn hàng lớn, có nguồn hàng xuất khẩu mỗi năm thu 1 tỉ USD. Chất lượng, năng lực sản phẩm hàng hóa nước ta cũng được cơ cấu ngày càng cao, đáp ứng được các thị trường khó tính.
Đáng chú ý là có hàng loạt sản phẩm chúng ta cũng đã tham gia vào thị trường thế giới theo hình thức chuỗi như thủy hải sản, cao su, dệt may, da giày... Tuy nhiên giá trị gia tăng còn thấp, nguyên do là hiện chúng ta còn phụ thuộc vào công nghệ của các nước.
Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung không đơn thuần là chiến tranh kinh tế
Nêu mối lo lắng của các đại biểu Quốc hội về áp lực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên kinh tế trong nước, bộ trưởng Bộ Công thương đồng tình quan điểm rằng chúng ta không coi cuộc chiến này đơn thuần chỉ là tranh chấp về kinh tế mà sâu xa hơn, tiềm tàng hơn còn là những tranh chấp về địa chính trị.
"Ảnh hưởng của những mâu thuẫn quyền lợi này sẽ là rất lớn nên chúng ta chủ động đón lõng, có đối sách điều chỉnh kịp thời", ông Trần Tuấn Anh nói Chính phủ, các bộ ngành đã có những động thái chủ động để tận dụng những điểm thuận lợi như đón dòng vốn FDI từ các doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc, tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ, giảm bớt các thủ tục phiền hà để đón doanh nghiệp vào Việt Nam làm ăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận