Khi bị xe tông, con bò chỉ bị thương, nằm một chỗ - Ảnh: N.T.
Sự việc hi hữu xảy ra gần đây tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Đòi xác bò
Theo ông Nguyễn Ngọc Tân (51 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), khoảng 15h ngày 3-1, ông lái ôtô 4 chỗ trên đường Hùng Vương (đoạn qua phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) thì bất ngờ có con bò băng ngang đường.
Ông Tân không kịp trở tay nên tông xe vào con bò ngay trên làn đường dành cho ôtô.
Vụ tai nạn không gây thương vong về người nhưng ôtô bị biến dạng, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Sau khi xảy ra tai nạn, công an phường Hòa Phú được CSGT bàn giao xử lý vụ việc.
Thời điểm vừa xảy ra vụ tai nạn, con bò vẫn còn sống nằm giữa đường nhưng không có ai tới nhận là chủ.
Theo lời ông Tân, một số người đi đường hỏi mua lại con bò với giá 8 triệu đồng nhưng công an phường Hòa Phú không đồng ý.
"Công an phường gọi một xe tải đến hiện trường rồi đưa con bò này về phường với lý do sẽ hóa giá con bò để đền bù cho thiệt hại của tôi, hẹn hôm sau đến trụ sở để giải quyết. Một ngày sau, tôi đến công an phường Hòa Phú hỏi thì một thiếu úy trả lời con bò đã được bán. Anh này không nói rõ bán giá bao nhiêu, chỉ yêu cầu tôi về nhà chờ", ông Tân cho biết.
Chờ hoài không thấy công an phường thông báo, ông Tân lại lên hỏi. Lúc này công an phường Hòa Phú mới cho biết con bò đã bị tiêu hủy.
Ông Tân bức xúc, yêu cầu công an cung cấp biên bản tiêu hủy để làm chứng. Trực ban công an phường trả lời người xử lý là cảnh sát khu vực "đang đi học chưa rõ lúc nào về".
"Việc con bò bị tiêu hủy hay bị bán, tới nay tôi không được biết. Tai nạn xảy ra do chăn thả bò sai quy định, gây thiệt hại cho tôi nhưng tại sao không bán con bò để đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho tôi?", ông Tân bức xúc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tá Nguyễn Thanh Hùng - trưởng công an phường Hòa Phú - nói khi xảy ra tai nạn chưa rõ con bò của ai nên công an phải đưa bò về trụ sở.
Sau đó con bò bị chết nên công an phường xin ý kiến lãnh đạo phường Hòa Phú và Công an TP Thủ Dầu Một đưa bò đi tiêu hủy bằng cách đốt rồi đào hố chôn.
Thiếu tá Hùng khẳng định việc tiêu hủy trên có sự chứng kiến của đại diện các đơn vị liên quan như cán bộ thú y, cán bộ kinh tế của phường.
Chúng tôi tiến hành tiêu hủy đều lập biên bản rõ ràng, còn nội dung biên bản thì chưa thể cung cấp cho báo chí vì phải xin ý kiến của lãnh đạo công an thành phố"
Thiếu tá Nguyễn Thanh Hùng
Công an đưa con bò về trụ sở - Ảnh: N.T.
Tiêu hủy phải đúng trình tự thủ tục
Theo luật sư Thái Văn Chung (Đoàn luật sư TP.HCM), điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định trường hợp gia súc thả rông gây thiệt hại thì chủ sở hữu gia súc phải bồi thường.
Tuy nhiên trong vụ việc này, chủ sở hữu con bò không chịu ra nhận trách nhiệm nên vấn đề có phức tạp hơn.
Do con bò là vật chứng của vụ vi phạm giao thông đường bộ, lại không có chủ sở hữu nên cần phải được cơ quan công an lập biên bản sự việc, biên bản tạm giữ tang vật, đồng thời biên bản bàn giao bò cho cá nhân, tổ chức có thẩm quyền quản lý.
Trường hợp bò chết thì phải lập thêm biên bản tiêu hủy hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định bán hóa giá theo quy định để bảo đảm khắc phục hậu quả cho người bị hại.
Trong trường hợp này, nếu công an phường Hòa Phú tự ý tiêu hủy không đúng trình tự thủ tục thì bắt buộc phải nộp lại số tiền bằng giá trị vật chứng đã bị tiêu hủy.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Hà Minh Thắng - phó trưởng công an TP Thủ Dầu Một - cho rằng nguyên tắc là công an phải tạm giữ vật chứng để xác minh chủ sở hữu.
Trường hợp bò bị chết, thông thường công an phải tiêu hủy, nếu bán hóa giá thì giá trị cũng không cao mà thủ tục rất rườm rà và mất thời gian, trong khi xác con vật nhanh bị phân hủy.
Rất khó giải quyết nạn bò thả rông
Tại Bình Dương, năm 2016 từng có trường hợp trâu thả rông trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn gây tai nạn với ôtô, chủ trâu không tới nhận nên người dân thi nhau xẻ lấy thịt trâu.
Theo công an TP Thủ Dầu Một, các trường hợp gia súc gây tai nạn rất khó để xác định chủ gia súc do người chủ thường né tránh, không chịu nhận.
Còn việc kiểm tra, xử phạt các trường hợp chăn thả gia súc không đúng nơi quy định để phòng ngừa tai nạn thì cần phải có sự tham gia của các chủ khu công nghiệp, đô thị và chính quyền địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận