Phụ huynh nộp hồ sơ vào lớp 1 cho con em tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TPHCM - Ảnh: H.HG
"Nghe tin Chính phủ bỏ hộ khẩu, tôi nhẹ nhõm hẳn" - một hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1, TP.HCM cho biết. Theo hiệu trưởng này: "Bỏ hộ khẩu là một quyết định hợp lòng dân".
Giảm bức xúc vào mùa tuyển sinh
Trong khi đó, một giáo viên Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 - một trong những ngôi trường rất "hot" ở TP.HCM, nhận định: "Có thể việc bỏ hộ khẩu sẽ làm cho ngành GD-ĐT khó khăn, bối rối khi thực hiện tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng việc bỏ hộ khẩu sẽ làm giảm bớt sự bức xúc của người dân vào mỗi mùa tuyển sinh.
Có nhiều trường hợp người dân ở gần Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng nhưng con em họ không vào học được chỉ vì không có hộ khẩu như quy định. Còn có người nhà ở tận Q.9, Thủ Đức thì con em được vào học vì có hộ khẩu ở P. Đa Kao, Q.1".
Giáo viên trên đề nghị: "Nên lấy căn cứ là chỗ ở của học sinh để tuyển sinh các lớp đầu cấp là công bằng nhất. Kể cả những trường hợp phụ huynh học sinh không phải là chủ sở hữu ngôi nhà mà ở nhờ hoặc thuê mướn.
Chỉ cần UBND phường, xã hoặc công an khu vực xác nhận học sinh có sinh sống trên địa bàn là được tuyển vào học. Riêng đối với những trường nổi tiếng, chắc chắn sẽ có nhiều phụ huynh muốn cho con em mình vào học. Trường hợp này nên xem xét các yếu tố như: cha mẹ học sinh có làm việc ở gần trường không, bán kính là bao nhiêu thì có thể nhận vào…
Tuyển sinh theo cách này có thể sẽ gây khó khăn, phiền phức cho các cơ quan chức năng nhưng đổi lại quyền lợi được học tập ở gần nhà của học sinh sẽ được bảo đảm".
Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - Ảnh: H.HG
Ưu tiên học sinh cư trú gần trường
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - thông tin: "Sở GD-ĐT TP sẽ bàn bạc và đề xuất phương án tuyển sinh đầu cấp với UBND TP. Trong đó, sẽ ưu tiên những học sinh cư trú ở gần trường, đảm bảo cho việc di chuyển của học sinh thuận tiện nhất có thể đồng thời làm giảm bớt tình trạng ách tắc giao thông như hiện nay.
“Sẽ ưu tiên những học sinh cư trú ở gần trường, đảm bảo cho việc di chuyển của học sinh thuận tiện nhất đồng thời làm giảm bớt tình trạng ách tắc giao thông như hiện nay.”
ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Quan điểm cá nhân của tôi: các trường tiểu học, THCS sẽ tuyển sinh lớp 1, lớp 6 đối với con em nhân dân đang cư trú trên địa bàn theo bán kính của nhà trường. Bán kính này rộng hay hẹp phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng học sinh trong độ tuổi trên địa bàn đó".
Đối với những trường nổi tiếng nhưng lại nằm giáp ranh với những quận, huyện khác (trên thực tế, nhiều hộ dân sinh sống ngay đối diện với trường học nhưng con em họ phải đi học ở trường xa hơn vì nhà ở nằm trên địa bàn quận khác) thì tuyển sinh như thế nào?
Ông Hiếu cho rằng: "Điều này Sở chưa tính tới nhưng quan điểm cá nhân của tôi là các quận cần có sự thống nhất để tuyển sinh ở những điạ bàn giáp ranh, sao cho người dân đi lại thuận tiện nhất".
Cần Thơ: Sẽ linh hoạt trong phân tuyến
Bà Trần Hồng Thắm - giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ - cho biết hai năm nay Cần Thơ đã không cứng nhắc tuyển sinh theo hộ khẩu. Trước tiên vẫn dựa vào hộ khẩu nhưng dựa trên hoàn cảnh gia đình, nơi cư ngụ sẽ bố trí cho học sinh học phù hợp. Còn phân tuyến trên địa bàn chỉ mang tính tương đối để xác định số lượng trẻ trên địa bàn. Hiện nay một số trường ở Cần Thơ vẫn tuyển sinh trẻ ngoại tuyến.
"Kế hoạch tuyển sinh 2018 sở chưa trình ủy ban nhưng theo chủ trương của Chính phủ về việc bỏ hộ khẩu thì sẽ nghiên cứu thêm nhưng rất sẽ linh hoạt trong viêc phân tuyến" - bà Thắm nói.
T.TRANG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận