14/05/2018 16:06 GMT+7

Bộ Giao thông muốn bỏ quy định 2 trạm BOT cách nhau tối thiểu 70km

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Dự thảo quy định mới của Bộ Giao thông vận tải đối với các trạm BOT không còn nội dung khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng tuyến đường phải đảm bảo tối thiểu 70km.

Bộ Giao thông muốn bỏ quy định 2 trạm BOT cách nhau tối thiểu 70km - Ảnh 1.

Trạm thu phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí theo km lăn bánh -Ảnh: TUẤN PHÙNG

Bộ Giao thông vận tải đưa ra dự định này trong dự thảo lần hai của thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 49/2016/TT-BGTVT về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Chưa rõ căn cứ nên bỏ?

Trong dự thảo này, quy định trạm thu phí phải đảm bảo các tiêu chí, điều kiện sau: Vị trí trạm phải được xác định trong thời gian lập dự án BOT; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người dân địa phương); phải thuận lợi cho việc thu phí, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án BOT.

Đối với quốc lộ, trạm phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (HĐND, UBND). 

Đối với đường địa phương, trạm phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải.

Như vậy, dự thảo lần 2 này đã không kế thừa nội dung về vị trí đặt trạm thu phí trong thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.

Cụ thể, thông tư 159 quy định: trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GT-VT thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ), UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định (đối với đường địa phương).

Lý giải về việc này, Bộ GT-VT cho biết việc bỏ quy định về khoảng cách trạm thu phí là tiếp thu ý kiến của các đơn vị và bộ ngành liên quan.

Cụ thể, trong quá trình góp ý cho dự thảo lần 1 của thông tư, Vụ Tài chính Bộ GT-VT cho rằng tiêu chí khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường cần được thuyết minh rõ cơ sở khoa học tính toán, xây dựng và quy định. 

Ngoài ra, cũng chưa rõ các trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc (thu phí kín theo km lăn bánh) có áp dụng theo tiêu chí này không.

UBND tỉnh Lào Cai cũng đề nghị làm rõ căn cứ, tính toán để xác định khoảng cách giữa hai trạm trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 70km.

Tương tự, góp ý cho dự thảo lần 1, Bộ Tài chính lý giải: quy định trạm thu phí  trên một tuyến đường cách nhau tối thiểu 70km của thông tư 159 phù hợp với các dự án áp dụng phương pháp thu hở (thu vé lượt) song không phù hợp với các dự án thu kín.

Cũng theo Bộ Tài chính, ngày 11-8-2017 đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT đã nêu: chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định về vị trí trạm thu phí tại thông tư số 159.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GT-VT nghiên cứu, làm rõ cơ sở quy định về khoảng cách giữa hai trạm thu phí tối thiểu là 70 km.

Không còn lấy ý kiến người dân?

Dự thảo lần 2 nói trên cũng bỏ nội dung lấy ý kiến của người dân địa phương và hiệp hội vận tải ôtô về vị trí đặt trạm thu phí do đã lấy ý kiến của HĐND.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Thanh - chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam - cho biết tháng 10-2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết nêu rõ BOT chỉ làm trên các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không làm trên các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

"Như vậy, giờ làm BOT chỉ đối với đường mới và thu phí kín theo km lăn bánh, không thu vé lượt như các trạm BOT trên quốc lộ  thì khoảng cách đặt trạm thu phí ở đâu cũng không có nhiều ý nghĩa khi trả tiền theo km thực đi như với đường cao tốc hiện nay", ông Thanh nói.

"Trong khi đó, các thông tư mới cũng không có giá trị hồi tố với các dự án BOT đã thực hiện nên bỏ quy định trạm thu phí trên cùng một tuyến đường cách nhau tối thiểu 70km cũng không ảnh hưởng gì. Bây giờ làm BOT với đường mới không ai phản đối nên cũng không cần phải lấy ý kiến hiệp hội vận tải".

Hiện cả nước có 88 trạm thu phí trên quốc lộ, trong đó Bộ GT-VT quản lý 73 trạm, các tỉnh quản lý 15 trạm.

Có 58 trạm có khoảng cách trên 70km với trạm liền kề, 10 trạm có khoảng cách 60-70km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60km.

Các trạm có khoảng cách dưới 70km là do trạm thuộc dự án hầm đường bộ gần với dự án BOT khác hoặc do địa phương đề nghị đặt trạm ngoài khu đô thị nên không đảm bảo khoảng cách với trạm liền kề.

"Giảm giá vé BOT Cai Lậy: phương án tối ưu cho ai? 'Giảm giá vé BOT Cai Lậy: phương án tối ưu cho ai?

TTO - Xung quanh ý kiến giảm vé BOT Cai Lậy là phương án tối ưu của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, nhiều bạn đọc đã hỏi lại rằng: tối ưu cho ai? Và tại sao là tối ưu?

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên