15/12/2023 11:35 GMT+7

Biến vỏ cà phê thành trà hảo hạng, giá bán trên 1 triệu/kg

Từ vỏ cà phê bỏ đi, một công ty tại Sơn La đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ để sản xuất ra loại trà cao cấp với giá bán trên 1 triệu đồng mỗi ký, được khách hàng quốc tế săn lùng, làm tới đâu bán hết tới đó.

Ông Phan Minh Thông, tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh, giới thiệu loại trà cascara làm từ vỏ cà phê - Ảnh: TRẦN MẠNH

Ông Phan Minh Thông, tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh, giới thiệu loại trà cascara làm từ vỏ cà phê - Ảnh: TRẦN MẠNH

Ngày 15-12, Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Phúc Sinh chính thức ra mắt trà túi lọc Cascara Blue Son La ra thị trường, sau gần 2 tháng khai trương dây chuyền sản xuất trà tại nhà máy tại Sơn La.

Nếu như trước đây vỏ cà phê là phụ phẩm trong quá trình chế biến và phê nhân, thường được bỏ đi hoặc tận dụng làm phân bón. Thì nay, sau thời gian nghiên cứu và nhập khẩu dây chuyền chế biến hiện đại, Phúc Sinh đã sản xuất thành công trà làm từ vỏ cà phê đạt chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Úc… với giá bán cao gấp 7-8 lần cà phê nhân thông thường. 

Còn tại thị trường trong nước, loại trà vỏ cà phê cascara đang được bán với giá xấp xỉ 1,5 triệu đồng/kg, cao gần gấp đôi loại cà phê đặc sản mà công ty này đang bán trên thị trường.

Giới thiệu sản phẩm trà cascara tại Việt Nam, trong đó có loại trà túi lọc với giá

Giới thiệu sản phẩm trà cascara tại Việt Nam, trong đó có loại trà túi lọc với giá "mềm hơn" để tiếp cận nhiều người tiêu dùng trong nước hơn - Ảnh: T. MẠNH

Ông Phan Minh Thông, tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh, cho biết trà cascara được các nước Nam Mỹ, nơi có vùng trồng cà phê arabica đặc sản lớn trên thế giới sản xuất hơn 50 năm qua và được rất nhiều thị trường ưa chuộng bởi nhiều giá trị đối với sức khỏe.

Tuy nhiên, để làm được loại trà này, phải chọn loại cà phê arabica chín mọng, thu hái và chế biến tươi ngay trong ngày mới đảm bảo chất lượng của trà. Bởi vỏ và thịt trái cà phê arabica chín có độ ngọt cao rất dễ lên men, nếu không chế biến ngay trong vòng 5 tiếng sau khi hái sẽ bị biến chất.

Tại Việt Nam, cà phê chủ yếu là loại robusta có vỏ mỏng và độ ngọt thấp nên không thích hợp sản xuất loại trà này, chỉ có một số vùng có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển thích hợp trồng loại cà phê arabica, nhưng chỉ có tại Sơn La là vùng trồng lớn nhất và có tiềm năng phát triển hơn nữa trong tương lai.

Ông Vũ Việt Thắng, tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh Sơn La, cho biết để có nguồn cà phê arabica đảm bảo, công ty đã liên kết với 33 nông hộ trồng cà phê tại Sơn La để cung cấp 330 tấn quả cà phê chín. Phải dùng 10kg cà phê tươi mới làm ra được 2kg cà phê nhân và 1kg trà cascara. Sau khi loại bỏ các quả không đạt chất lượng, sản lượng trà cascara hiện cũng chỉ đạt khoảng 20 tấn mỗi năm. 90% sản phẩm trà làm ra được khách hàng nước ngoài đặt mua hết.

Tuy nhiên, giá trị của trà cascara hiện đã vượt giá của cà phê nhân. Chính vì vậy, nông dân hợp tác với công ty cũng được hưởng lợi khi có thu nhập thêm khoảng 10.000 đồng trên mỗi ký cà phê (tính theo khối lượng cà phê nhân khô) bán cho công ty. 

“Do nhu cầu của các nhà nhập khẩu vẫn còn cao cũng như phát triển thị trường trong nước, Phúc Sinh vẫn đang tiếp tục mở rộng vùng trồng để đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cà phê đặc sản và trà cascara", ông Thắng cho biết.

Ba - con và cà phê Trung Nguyên G7Ba - con và cà phê Trung Nguyên G7

Lần đầu tiên tôi uống cà phê cùng với ba là vào một ngày mùa đông năm 2004. Khi đó tôi là sinh viên năm nhất ngành sư phạm, đang muốn bỏ ngang vì nhiều người bảo học sư phạm nghèo, ra trường còn khó xin việc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên