18/04/2016 10:06 GMT+7

Biến môn học “khô khan” thành sân chơi sinh động

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Ngày 17-4, hội thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng thời đại” năm 2016 đã chính thức khởi động.

Thí sinh các đội tuyển thực hiện phần thi trắc nghiệm để chọn những đội xuất sắc nhất vào các vòng trong của hội thi “Ánh sáng thời đại” 2016 - Ảnh: Q.L.
Thí sinh các đội tuyển thực hiện phần thi trắc nghiệm để chọn những đội xuất sắc nhất vào các vòng trong của hội thi “Ánh sáng thời đại” 2016 - Ảnh: Q.L.

Đây là sân chơi học thuật bổ ích để cùng thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội này để đưa những kiến thức tưởng chừng khô khan lồng ghép thành bài học sinh động, bổ ích cho học sinh sinh viên

Thí sinh PHẠM THỊ CHÂU QUYÊN (ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM)

Hội thi năm nay được thiết kế gồm ba phần thi: trực tuyến cá nhân, đội tuyển và thiết kế sản phẩm truyền thông “Góc nhìn thời đại”, do Thành đoàn TP.HCM phối hợp cùng Sở Giáo dục - đào tạo, Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Phát biểu khai mạc, anh Phạm Kiều Hưng, trưởng ban tổ chức hội thi, cho biết hội thi lần thứ 7 này được thiết kế đổi mới cả nội dung lẫn hình thức để tăng sức hút tự thân và giúp mang lại nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực cho thí sinh từ sân chơi này.

Theo anh Hưng, các câu hỏi của hội thi sẽ giúp thí sinh có thêm thông tin về các nội dung lớn trong nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, cũng như cập nhật kiến thức, thông tin về tình hình chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước sau 30 năm đổi mới.

Phần thi thiết kế sản phẩm truyền thông “Góc nhìn thời đại” là phần thi hoàn toàn mới, lần đầu tiên được đưa vào khuôn khổ hội thi.

“Chúng tôi mong sẽ nhận được những sản phẩm đầy tính sáng tạo của thí sinh để cụ thể hóa các nội dung tuyên truyền và đưa các nội dung của nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ TP.HCM vào thực tiễn cuộc sống” - anh Kiều Hưng cho biết.

Ở phần thi trực tuyến cá nhân trên báo Tuổi Trẻ Online, hội thi gồm hai bảng thi đấu. Trong đó, bảng A dành cho cán bộ, giáo viên, giảng viên từ 35 tuổi trở xuống hiện công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM và Đông Nam bộ; bảng B dành cho thí sinh tự do là bạn đọc của báo Tuổi Trẻ. Còn phần thi đội tuyển chỉ dành cho 75 đội tuyển của 50 cơ sở Đoàn toàn TP là thầy cô giáo trẻ của nhiều trường học các cấp tại TP.HCM.

Sau khi hoàn thành bài thi, chị Phạm Thị Phương Linh (Đoàn cơ quan ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết các câu hỏi của hội thi có lĩnh vực khá rộng, kiểm tra được kiến thức thí sinh toàn diện.

“Có nhiều kiến thức là những vấn đề thời sự chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, TP mà nếu chịu khó theo dõi tin tức, tôi nghĩ rằng sẽ có đáp án cho bài thi chứ không quá đánh đố thí sinh” - chị Phương Linh chia sẻ.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Châu Quyên (ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM) bày tỏ hội thi sẽ là cơ hội để mỗi giáo viên, giảng viên nâng cao kiến thức, củng cố trình độ lý luận chính trị cũng như cập nhật các kiến thức về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP, đất nước cho mình, phục vụ tốt hơn cho công việc.

Chia sẻ từ góc độ lãnh đạo các trường, ông Văn Dự - phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ TP.HCM - nói nhà trường nhận định đây là một sân chơi học thuật quan trọng, hết sức ý nghĩa để nâng cao kiến thức, trình độ lý luận chính trị cho thầy cô giáo trẻ.

“Mong mỗi bạn thi thật tốt và tiếp nhận kiến thức có được từ hội thi để vận dụng vào việc giảng dạy, trong công tác hằng ngày” - ông Dự nhắn gửi các thí sinh.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên