Đợt thi này có lượng thí sinh đăng ký đông kỷ lục nhất từ trước đến nay với hơn 95.000 người. Thí sinh cần chuẩn bị gì để đạt điểm cao trong kỳ thi này?
Đánh giá khả năng suy luận, giải quyết vấn đề
Theo TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM - sau 6 năm tổ chức, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM liên tục phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả tuyển sinh. Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ được sử dụng để xét tuyển thí sinh trực tiếp vào gần 100 trường đại học, cao đẳng trong mùa tuyển sinh năm nay.
"Việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 vẫn giữ ổn định như các năm trước về cách thức tổ chức thi, hình thức làm bài và cấu trúc đề thi. Bài thi này tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở bài thi SAT, kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của bài thi TSA.
Bài thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức và tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.
Bài thi chú trọng đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh. Đề thi chính thức sẽ hoàn toàn tương đồng với đề thi mẫu về cấu trúc", ông Chính khẳng định.
Cũng theo ông Chính, để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi này đòi hỏi thí sinh có nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc đã được chuẩn bị trong một quá trình dài lâu. Những thí sinh có cách tiếp cận học tập đúng đắn và khoa học trong quá trình học phổ thông sẽ có nhiều lợi thế đối với hình thức thi đánh giá năng lực như thế này.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần có sự chuẩn bị tốt như đảm bảo sức khỏe tốt về cả thể chất và tinh thần cho ngày thi, hệ thống hóa kiến thức kỹ năng trước khi thi, đến phòng thi đúng nơi quy định...
Kinh nghiệm làm bài thi của thủ khoa
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2023 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức xuất hiện thủ khoa đạt thành tích cao nhất trong lịch sử kể từ khi kỳ thi được tổ chức vào năm 2018. Người nắm giữ kỷ lục này là thủ khoa Phan Lê Thúc Bảo (cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế) với số điểm 1.133/1.200.
Đáng chú ý, Phan Lê Thúc Bảo tham gia cả hai đợt thi đánh giá năng lực năm 2023 và đều đứng trong tốp thí sinh đạt thành tích cao nhất với số điểm lần lượt là 1.052 và 1.133.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm bài thi năng lực, chàng thủ khoa nay đang là sinh viên chương trình tiên tiến ngành khoa học máy tính Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng ba yếu tố để làm tốt bài thi đánh giá năng lực là nắm vững kiến thức cơ bản, trau dồi năng lực suy luận và chuẩn bị một tâm lý vững vàng.
"Kết quả bài thi đánh giá năng lực là cả một quá trình dài tích lũy kiến thức 12 năm học của tôi, trong đó ba năm THPT là trọng tâm. Để giải quyết số lượng câu hỏi lớn là 120 câu trong 150 phút của bài thi đánh giá năng lực thật sự rất áp lực.
Thí sinh cần tập trung cao độ và có sức bền để không bị đuối ở những chặng đua cuối cùng. Vì thế, mình nghĩ cần phải luyện đề thi thử thật nhiều, không chỉ để làm quen với áp lực thời gian mà còn để tự mỗi thí sinh tìm ra chiến thuật với các phần thi nhỏ", Bảo nói.
Qua quá trình ôn luyện, giải đề thi thử Bảo nhận ra kỳ thi đánh giá năng lực yêu cầu thí sinh phải có kiến thức và năng lực toàn diện. Vì thế, Bảo tuyệt đối không học "tủ", học "lệch" mà cố gắng học đều các môn.
Bảo cũng chia sẻ: "Các bạn cần phát huy được điểm mạnh và cải thiện điểm yếu của bản thân, từ đó có thể lên kế hoạch ôn tập đúng trọng tâm và phân bố thời gian hiệu quả. Là học sinh chuyên toán, mình có thể nghe giảng và nắm chắc bài học các môn tự nhiên ngay tại lớp.
Còn đối với các môn xã hội, đặc biệt là tiếng Việt, mình đầu tư nhiều công sức để có thể làm bài tốt nhất. Bên cạnh đó, mình nghĩ điều quan trọng nhất là phải thoải mái, nên việc học phải đi kèm với niềm vui. Vì nếu quá căng thẳng thì khó thể đạt kết quả cao trong bất cứ kỳ thi nào".
Với số điểm 1.118/1.200, Trần Công Huy Hoàng (sinh viên năm 4 ngành khoa học máy tính, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng là thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2020 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Bí quyết ôn tập của Huy Hoàng là tập trung nghe giảng tất cả các môn học ngay tại lớp và nắm kiến thức. Khi về nhà, chỉ đọc lại bài đã làm, tham gia nhóm học tập trên mạng.
"Với kỳ thi đánh giá năng lực mình tự học là chính. Mình tập trung trước vào các môn tự nhiên. Với các môn xã hội, mình đọc sách giáo khoa và đánh dấu những chỗ quan trọng. Mỗi tuần mình xem lại các phần đã đánh dấu 1-2 lần để nhớ, chứ không học thuộc. Trên mạng có nhiều dạng đề, mình in đề ra rồi đặt trước mặt để có cảm giác thôi thúc phải làm bài", Hoàng chia sẻ.
Về cách thức làm bài thi đánh giá năng lực, Hoàng cho hay: "Bài thi không chia theo từng môn, các câu hỏi phân bố ngẫu nhiên. Khi thi nên làm từ trên xuống dưới, với những bài có dữ kiện quá dài thì cần tóm tắt đề để dễ làm hơn. Với những câu phân vân hoặc không biết làm thì đánh dấu lại để quay lại sau.
Mình dành 10 phút cuối để đánh dấu vào phiếu trả lời trắc nghiệm, tránh trường hợp làm xong bài nhưng không kịp tô đáp án. Với các câu toán logic, nên tóm tắt lại đề, tức ghi lại các số liệu hoặc thông tin chính để hiểu đề bài hơn".
Phân phối thời gian hợp lý
"Kỹ thuật làm bài thi phù hợp sẽ góp phần giúp nâng cao kết quả: thí sinh cần biết phân phối thời gian hợp lý cho các câu hỏi, cần có kỹ năng đọc nhanh để nắm ý tổng quát, đồng thời có kỹ năng nhận định phân tích sâu để trả lời các chi tiết.
Cuối cùng, thí sinh cũng cần có "chiến lược" làm bài hiệu quả, tránh mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi, vì đề thi gồm 120 câu làm trong 150 phút".
TS NGUYỄN QUỐC CHÍNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận