Một đám cưới với cô dâu là trẻ em ở Ấn Độ - Ảnh: AFP
Các nhà nghiên cứu thuộc bang Maharashtra của Ấn Độ đã lần đầu tiên tiến hành các cuộc khảo sát và điều tra mối liên hệ giữa nạn tảo hôn và nô lệ trẻ em ở đất nước đông dân thứ hai thế giới.
Người đứng đầu Ủy ban phụ nữ bang Maharashtra, bà Vijaya Rahatkar cho biết có những mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp giữa tảo hôn với buôn người, theo Hãng tin Reuters.
"Gần như không có bất kỳ cuộc điều tra nào về mối liên hệ giữa nạn tảo hôn và buôn người", Adrian Phillips, một nhà hoạt động của tổ chức chống buôn người Justice and Care, cho biết.
Nghiên cứu của Justice and Care và cuộc khảo sát của ủy ban do bà Rahatkar đứng đầu sẽ làm sáng tỏ mối quan hệ dây mơ rễ má giữa "hai tội ác".
Độ tuổi được phép kết hôn ở Ấn Độ là 18 đối với nữ và 21 đối với nam. Các bậc cha mẹ sẽ bị phạt 100.000 rupee (khoảng 1.535 USD) và 2 năm tù giam nếu bị bắt quả tang tổ chức đám cưới cho con cái dưới độ tuổi này.
"Luật vua thua lệ làng", nhiều bậc cha mẹ tại các vùng nông thôn nghèo khó Ấn Độ xem con gái như một gánh nặng tài chính, chỉ mong gả đi càng sớm càng tốt. Điều này dẫn đến việc không thể bài trừ hoàn toàn nạn tảo hôn ở Ấn Độ, vô hình trung còn tiếp tay cho bọn buôn người.
"Những cuộc hôn nhân kiểu đó thường không kéo dài lâu", bà Rahatkar khẳng định.
Ủy ban của bà Rahatkar quyết định tiến hành cuộc khảo sát và điều tra sau khi nhận được các báo cáo nói về việc những cô dâu trẻ em bị bán vào các nhà thổ hoặc trở thành nô lệ trong các gia đình giàu có.
Nhà chức trách Ấn Độ đã giải cứu được một bé gái như thế sau khi nhận được thông tin. Sau khi kết hôn, em bị buộc phải làm việc không lương tại một trang trại. Người ta trói em ngay sau khi làm xong việc phòng em chạy trốn.
Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), 27% các cô dâu Ấn Độ là những trẻ em dưới 18 tuổi. Rất khó để thuyết phục các bậc cha mẹ rằng tảo hôn là một thực trạng xấu vì nó đã diễn ra trước mắt họ trong nhiều năm.
"Các bé gái đôi khi bị gả đi từ sớm để không đòi tài sản của những người đã sinh ra chúng", Nirmal Gorana, một người vận động bài trừ nạn tảo hôn ở Ấn Độ, chua chát cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận