05/09/2014 06:30 GMT+7

​Bi hài bán tàu chiến hàng khủng

VÕ TRUNG DUNG
VÕ TRUNG DUNG

TT - Pháp đã quyết định tạm ngưng giao tàu đổ bộ - sân bay trực thăng lớp Mistral cho Nga. Phần thiệt xem ra thuộc về nước Pháp và câu chuyện còn nhiều dư âm.

Chiếc Vladivostok, đã được thử nghiệm trên biển từ tháng 3, đang neo tại xưởng đóng tàu ở Saint-Nazaire chờ lên đường sang Nga - Ảnh: Reuters
Chiếc Vladivostok, đã được thử nghiệm trên biển từ tháng 3, đang neo tại xưởng đóng tàu ở Saint-Nazaire chờ lên đường sang Nga - Ảnh: Reuters

Tối 3-9, đích thân Tổng thống Pháp François Hollande, trong phiên họp hội đồng quốc phòng, đã tuyên bố sẽ tạm ngưng giao tàu mang tên Vladivostok cho Nga do “chưa hội đủ các điều kiện” dù đã có viễn cảnh về khả năng ngưng chiến tại Ukraine.

Quyết định này đã nhanh chóng gây những phản ứng trái chiều.

Quyết định khôn ngoan?

Từ Washington, bà Jennifer Psaki, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã nhanh chóng tuyên bố đây là “quyết định khôn ngoan” của chính phủ Pháp và Mỹ ủng hộ quyết định này.

Các nghị sĩ hai viện của Mỹ cũng hoan nghênh tức thời vì cho rằng đó là tín hiệu “khuyến khích các thành viên còn lại của NATO ngưng mọi hoạt động hợp tác và bán vũ khí cho Nga khi mà cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn đang diễn ra”.

Thượng nghị sĩ John McCain góp lời trên Twitter: “Tốt hơn là ngưng luôn hợp đồng đó, nhưng tạm ngưng cũng là bước đi tốt đẹp đầu tiên”.

Ông Eliot Engel - chủ tịch tiểu ban đối ngoại của Hạ viện Mỹ - sau khi ve vuốt rằng đây là “quyết định khó khăn đối với Pháp” đã đưa ra gợi ý “NATO nên thuê lại hoặc mua hai tàu đổ bộ đó”.

Ý tưởng này thật ra từng được nêu ra trước đây khi có các ý kiến phản đối chuyện Pháp bán vũ khí khủng cho Nga và cũng đã từng bị Washington lẫn NATO bác bỏ.

Nga đã có phản ứng tức thời ngay sau thông báo của Tổng thống Hollande.

Thứ trưởng quốc phòng Nga Yuri Borissov phát biểu thông qua Hãng thông tấn Itar-Tass: “Việc từ chối hợp đồng sẽ không phải là thảm kịch cho chúng ta trên phương diện nâng cấp năng lực vũ khí. Dĩ nhiên quyết định trên gây khó chịu và gây ra một số căng thẳng trong quan hệ với các đồng nghiệp Pháp”.

Có thể bỏ ngoài tai những lời có cánh từ các đồng minh hay đe dọa bóng gió từ Nga, người Pháp quả thật rất lo với quyết định không giao hàng vào tháng 11 tới như đã hứa.

Lo là bởi những hệ lụy khôn lường của nó. Ngưng giao hợp đồng sẽ đồng nghĩa với việc phải bồi hoàn cho Nga số tiền đã được ứng trước và nộp phạt vi phạm hợp đồng trị giá đến 1,2 tỉ euro, chưa kể phần hợp đồng trang thiết bị đi kèm trị giá 220 triệu euro và hợp đồng đào tạo 400 thủy thủ đã hoàn thành.

Ngưng hợp đồng cũng sẽ đồng nghĩa với đình trệ công ăn việc làm của cả ngàn công nhân trên công trình tại Saint-Nazaire vì họ vẫn đang trong quá trình thực hiện đóng chiếc thứ hai cho Nga mang tên Sebastopol.

Sợ mất uy tín

Nhưng lớn hơn hết, với quyết định này, Pháp đang lo sợ mất uy tín trong thị trường mua bán vũ khí.

Nước Nga vẫn chưa có phản ứng gì đáng kể vì dẫu sao quyết định trên vẫn chỉ là “tạm ngưng”, tức có thể thay đổi lại trong tương lai khi tình hình sáng sủa hơn. Nhưng Pháp đâu chỉ có khách hàng Nga.

Chuyên gia về vấn đề quốc phòng Jean-Dominique Merchet dẫn cảnh báo của một giám đốc doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế tạo vũ khí của Pháp: “Vấn đề trong quyết định này là uy tín trong ký kết hợp đồng cấp quốc gia. Trong trường hợp Paris quyết định hủy thì các khách hàng lớn sẽ cảm thấy bị tùy thuộc vào quyết định chính trị đơn phương của Pháp”.

Pháp hiện đang thương thảo hợp đồng bán 126 máy bay chiến đấu Rafale trị giá đến 9 tỉ euro cho Ấn Độ.

Hồi tháng 7 vừa qua, Bộ Quốc phòng Pháp từng phát đi lo ngại: “Khách hàng Ấn Độ có thể hủy thương thảo mua Rafale nếu họ không thấy tin tưởng là chúng ta sẽ đảm bảo đầy đủ hợp đồng”.

Dĩ nhiên phía Pháp có mối lo không nhỏ khi “đồng minh” Anh vẫn chưa từ bỏ cuộc cạnh tranh ve vãn thuộc địa cũ với loại máy bay Eurofighter của mình. Rồi còn hợp đồng vũ khí trị giá đến 3 tỉ euro cho phía Saudi Arabia...

Bà Camille Grand, giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược, nhận định: “Khách hàng Ấn Độ hoặc Saudi Arabia rất nhạy cảm với cái gọi là đảm bảo cung cấp hàng, tức là hợp đồng đã ký không thể bị hủy vì những biến cố chính trị. Trong vụ này, Pháp cần phải giải thích đây là trường hợp rất đặc biệt”.

Dĩ nhiên có nhiều đánh giá về quyết định của Pháp nhưng người Pháp cũng hi vọng những hợp đồng mới có thể cứu vãn tình hình. Ví dụ như hợp đồng với phía Ba Lan, trong đó các tổ hợp vũ khí của Pháp đang có ưu thế.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk sắp lên nắm vị trí chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) và ông này có thái độ rất cứng rắn với vấn đề Ukraine nên các hợp đồng bán trực thăng chiến đấu, tàu ngầm, dàn lá chắn chống tên lửa... có thể về tay Pháp.

Những lần lỡ hẹn

Trước đây, Pháp từng gặp vài lần phải hủy đơn hàng do lệnh cấm vận. Như hồi năm 1967, tướng De Gaulle đã quyết định không giao đơn hàng 50 chiến đấu cơ Mirage 5 dù Israel đã trả được 2/3 số tiền của hợp đồng trị giá 350 triệu franc lúc đó.

Mười năm sau, lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Nam Phi liên quan chế độ apartheid đã buộc Pháp phải ngưng giao hai tàu chiến lớp Aviso.

Để giải quyết “mớ của nợ” vũ khí đó, giải pháp tốt nhất bao giờ cũng là tìm khách hàng thay thế. Hai tàu chiến tính bán cho Nam Phi cuối cùng được bán cho Argentina vài năm sau đó.

Nhưng số phận của hai tàu Mistral lần này thì không dễ vì trị giá quá lớn, chưa kể loại tàu được làm theo yêu cầu của Nga, nên chưa dễ gì tìm được khách có yêu cầu tương ứng.

Cũng có người cho rằng bán tàu không được thì giao nó luôn cho hải quân Pháp như trường hợp của mấy chục chiếc Mirage 5 không giao được cho Israel cuối cùng đã gia nhập không quân Pháp.

Vấn đề là hiện nay Pháp đã có ba chiếc Mistral đang hoạt động. Tăng thêm tàu to kiểu đó sẽ khiến ngân sách quốc phòng tăng vọt, gây phản ứng với người dân trong nước.

 

VÕ TRUNG DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên