Uống thuốc giảm đau cũng cần thận trọng, không được quá liều - Ảnh: T.T.D. |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Lưu Phương, chuyên khoa tiêu hóa gan mật Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết viêm gan tối cấp xảy ra khi gan bị tấn công bởi một hay nhiều tác nhân khác nhau làm các tế bào gan chết một cách ồ ạt và nhanh chóng. Thực tế khoảng 80% bệnh nhân bị viêm gan tối cấp sẽ tử vong sau khi nhập viện và chỉ khoảng 20% bệnh nhân được cứu sống.
Nguy cơ từ việc tự ý dùng thuốc, thực phẩm chức năng...
Có nhiều nguyên nhân gây viêm gan cấp tính như ăn phải nấm độc, uống nhiều rượu bia, nhất là trên người có bệnh gan tiềm tàng mà không biết. Hoặc dùng quá liều các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, thuốc kháng viêm giảm đau trị viêm khớp, viêm cơ...; tự ý sử dụng hoặc sử dụng quá liều các thuốc kháng sinh không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Trong khi nhiều người quan niệm các loại thực phẩm chức năng là an toàn thì bác sĩ Lưu Phương nhấn mạnh việc sử dụng nhiều loại thực phẩm chức năng cũng có thể gây ra viêm gan tối cấp. Bởi thực phẩm chức năng vẫn là các hóa chất hoặc thảo dược nên khi đưa vào cơ thể vẫn là "vật lạ", sau khi hấp thu vào máu sẽ đi qua gan và thận để hóa giải rồi thải ra ngoài cơ thể.
Ngộ độc các độc chất trong thành phần các loại đông dược, nhất là các loại thảo dược không rõ nguồn gốc, cũng gây viêm gan tối cấp. Nhiều người cho rằng thuốc nam và thuốc bắc là "hiền", không "độc" và không "nóng" như thuốc tây y nhưng đó là quan niệm không đúng vì các loại thuốc đông dược vẫn phải điều chế từ các thảo dược từ thiên nhiên, bản chất cũng là vật lạ từ ngoài đưa vào cơ thể nên vẫn có khả năng gây ngộ độc làm tổn thương gan, thận.
Hơn nữa nếu đông dược không nhãn mác, không rõ nguồn gốc thì nguy cơ nhiễm bẩn, nhiễm các kim loại nặng, nhiễm tạp chất rất cao. Điều này càng nguy hiểm vì mức độ ngộ độc nếu xảy ra sẽ rất trầm trọng.
Ngoài ra, viêm gan tối cấp còn xảy ra khi người bệnh bị nhiễm các loại virút gây viêm gan cấp tính là A, B, C, D, E. Người bệnh bị nhiễm virút gây viêm gan B, C mãn tính nhưng không biết, khi sức khỏe suy yếu, virút bùng lên hoạt động mạnh hoặc uống rượu bia kèm theo, hoặc dùng nhiều thuốc gây độc cho gan làm cho bệnh có thể bùng phát lên thành viêm gan tối cấp.
Một nguyên nhân thường gặp nữa là các bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính đang dùng thuốc ổn định thì tự động ngưng thuốc làm virút sinh sản trở lại và bùng phát lên rất mạnh gây viêm gan tối cấp.
Theo bác sĩ Lưu Phương, từ 1 - 3 ngày đầu mắc bệnh viêm gan tối cấp, người bệnh thường mệt mỏi, đầy bụng, ăn uống kém, mau no. Sau đó, bệnh diễn tiến nhanh chóng từ vài ngày đến hai tuần tiếp theo với biến chứng suy gan, suy thận. Người bệnh xuất hiện các triệu chứng vàng mắt, vàng da tăng dần, tiểu sậm màu, mất linh hoạt, ít nói, ít tiếp xúc với người xung quanh; ngủ gà ngủ gật cả ngày; dễ chảy máu răng, chảy máu miệng, có các mảng bầm máu ở da; sau đó hôn mê, co giật và tử vong nhanh chóng.
Cần khám sức khỏe định kỳ
Người bệnh mắc bệnh viêm gan siêu vi không có triệu chứng gì, do vậy nên khám sức khỏe định kỳ để được kiểm tra có bị viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C hay không. Nếu chưa nhiễm bệnh, cần có những biện pháp phòng ngừa thích hợp như ăn chín, uống sôi, rửa sạch, tình dục an toàn, không dùng chung dụng cụ có dính máu, chủng ngừa viêm gan A và viêm gan B.
Trường hợp phát hiện bệnh, người bệnh nên tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật để được xác định chính xác thể bệnh, từ đó có chế độ theo dõi, điều trị thuốc phù hợp, đúng thời điểm, tránh diễn tiến nặng và biến chứng. Để phòng bệnh viêm gan tối cấp cần tránh xa rượu bia, không tự ý dùng các loại thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, các loại thuốc đông nam dược không rõ nguồn gốc và không nên dùng các loại thực phẩm chức năng không cần thiết.
Khi uống thuốc giảm đau paracetamol người bệnh cần lưu ý đối với người bình thường không bị bệnh gan, uống trên 4 gam/ngày mới có nguy cơ gây độc cho gan. Với bệnh nhân bị viêm gan mãn hoặc xơ gan chỉ cần uống 2 gam/ngày đã có nguy cơ gây độc cho gan.
Đối với bệnh nhân đang viêm gan cấp tính, vàng da, tuyệt đối không được dùng paracetamol. Không tự ý cho trẻ uống paracetamol quá 5 ngày điều trị cảm sốt (ở người lớn không quá 10 ngày) trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Liều thông thường cho trẻ là 10 mg/kg cân nặng/lần, ngày uống 3 lần. Liều thông thường ở người lớn 500 - 600 mg/lần, ngày uống 3 lần.
Người già trên 65 tuổi hoặc người bị viêm gan mãn, xơ gan chỉ sử dụng 2/3 liều thông thường sẽ an toàn cho người bệnh. Khi đã uống thuốc paracetamol, tuyệt đối không được uống rượu bia kèm theo vì làm tăng độc tính trên gan.
Viêm gan cấp tính thông thường xảy ra khi các tế bào gan bị phá hủy nhanh chóng và ồ ạt, nhưng gan vẫn còn thực hiện được chức năng của mình. Còn viêm gan tối cấp có sự phá hủy tế bào gan rất nhanh chóng, liên tục, không có điểm dừng, làm gan không còn hoạt động được và dẫn đến hàng loạt biến chứng rất nặng nề như suy gan, suy thận, phù não, rối loạn đông máu... và tử vong nhanh chóng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận