08/01/2015 00:10 GMT+7

​Bệnh tiêu chảy ở trẻ vào mùa cao điểm

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm Rotavirus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Thời tiết đông-xuân là giai đoạn cao điểm của bệnh tiêu chảy do Rotavirus.

Thời gian này, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 2.200-2.500 trẻ đến khám. Trong đó, trẻ bị bệnh tiêu chảy chiếm khoảng 10%.

Riêng Khoa Tiêu hóa, mỗi ngày có khoảng từ 100-200 trẻ đến khám liên quan đến các bệnh về tiêu hóa, trong đó có bệnh tiêu chảy cấp.

Rotavirus là tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp thường gặp nhất trong mùa đông, bệnh chủ yếu lây qua đường phân-miệng.

Tiêu chảy cấp do Rotavirus dễ lây lan vì virus này sống được trong môi trường tự nhiên, như trên các bề mặt tiếp xúc của đồ chơi, bàn ghế, trong nước và trên da...

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ mắc bệnh tiêu chảy thường bị nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu lỏng và sốt nhẹ. Phân lúc đó sẽ toàn nước, có thể có màu xanh, đờm nhớt, nhưng không có máu.

Do bị nôn và đi ngoài lỏng nhiều nên trẻ rất dễ bị mất nước, nhanh chóng suy kiệt nếu không được chăm sóc kịp thời.

Oo4HZ4PJ.jpg

Đa số trẻ sẽ hết tiêu chảy sau 4-8 ngày, tuy nhiên vẫn có trẻ kéo dài đến 2 tuần, biến chứng nguy hiểm của bệnh tiêu chảy là gây mất nước, có thể dẫn tới tử vong.

Chính vì vậy, số bệnh nhi phải chỉ định nhập viện, truyền nước do tiêu chảy thường nhiều hơn hẳn các bệnh lý thông thường khác.

Các chuyên gia cảnh báo, nhiều phụ huynh coi nhẹ bệnh tiêu chảy do Rotavirrus, hoặc bị nhầm bệnh này sang bệnh viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Nhiều phụ huynh còn nhầm tưởng trẻ bị tiêu chảy vì mọc răng, dẫn đến có trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng mất nước nặng, đe dọa tính mạng.

Khi trẻ bị tiêu chảy, các bậc phụ huynh cần bổ sung nước cho trẻ thông qua việc uống dung dịch Oresol pha đúng hướng dẫn ghi trên bao bì.

Đặc biệt, không cho trẻ uống các loại nước ngọt, nước có gas khi trẻ đang mất nước do tiêu chảy.

Nếu thấy trẻ mệt quá, bỏ bú, không ăn uống, không chơi, nằm li bì… nên đưa đến bệnh viện.

Không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy, vì kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus mà có thể dẫn đến tình trạng trướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, thậm chí tử vong.

Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ là uống vaccine. Đây là vaccine loại uống, dùng cho trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh cho trẻ như: ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh...; riêng người lớn cần duy trì thói quen rửa tay trước khi chế biến món ăn cho trẻ...

Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ trong thời điểm mùa xuân, khí hậu mưa phùn, độ ẩm cao, các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch đối với các bệnh như: sởi, quai bị, rubella, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ, viêm não Nhật Bản...

Đồng thời, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ nhằm nâng cao sức đề kháng, chống lại các bệnh lây nhiễm.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên