11/05/2014 20:40 GMT+7

Bệnh sởi

BS TỊT TUỐT
BS TỊT TUỐT

TTC - Nhiều người lớn đã từng bị mắc sởi khi nhỏ thường chủ quan mà tặc lưỡi rằng “bệnh sẽ qua, mình cũng bị lại còn được chúng “lại quả” cho cái món mà ngành y gọi là “miễn dịch suốt đời”, có sao đâu!”.

gZPYj820.jpg

Tuy nhiên con số trẻ tử vong được công bố những ngày gần đây lại khiến chúng ta giật mình để rồi mọi người bắt đầu biết sợ. Bệnh sởi như thế nào mà có tác hại ghê gớm như vậy?

Nhiều đường lây bệnh

Chúng vào cơ thể bằng đường nào? Một người đang chứa mầm bệnh chỉ cần nói chuyện, ho, hắt hơi là đám virút theo những hạt nước miếng li ti kia mà ra môi trường. Bạn đi đường, người chạy xe trước, chạy ngang bạn ho, hắt hơi, thậm chí khạc nhổ “hồn nhiên”, bạn hứng xong lại chạy qua nhà trẻ đón con, bồng bé âu yếm, vô tình bạn đã truyền cho con cả mớ virút gây bệnh. Trong nhà trẻ chỉ cần một bé mang mầm bệnh, bé lẫm chẫm đi, sờ tay vào đồ chơi, trẻ khác cũng sờ tay vào, cô quên rửa, mẹ cũng “cho qua”, thế là lây bệnh. Trẻ mang mầm bệnh ho một phát, nước miếng bắn ra sàn nhà, những trẻ khác, đứa bò, đứa ngồi đều được “hưởng” món virút ấy. Rồi cô giáo dùng một chậu nước, nhúng cả năm bảy cái khăn lau mặt cho các bé, virút cũng từ đó tha hồ thâm nhập.

Virút vào cơ thể bé sẽ chọn những “miền đất vàng” mà cư ngụ. Đó là họng, mắt và phổi. Từ những nơi này chúng bắt đầu chiếm lĩnh gần như toàn bộ cơ thể bé bỏng của trẻ. Bạn sẽ thắc mắc rằng “bé vẫn ăn, ngủ, chơi, làm sao biết?”. Đúng vậy, thời kỳ mang mầm bệnh (ủ bệnh) kéo dài từ 10-12 ngày đã đủ lây nhiễm cho không biết bao nhiêu người khác rồi. Vì dễ lây như vậy nên bệnh sởi rất nhanh chóng biến thành dịch trong một thời gian ngắn, đôi khi ngành y tế lâm vào tình cảnh trở tay không kịp.

Những biểu hiện của bệnh sởi

Bé có thể hâm hấp sốt, cũng có bé sốt cao 39-40OC. Kèm theo là ho khan, đau họng, chảy nước mũi, mắt đỏ, đau đầu, sợ ánh sáng. Vài ngày sau bạn sẽ thấy sởi mọc. Đó là những nốt nhỏ li ti từ tai, mặt, tay, ngực, bụng, lưng, đùi và chân. Vì có màu đỏ nên bà con mình gọi là “ban đỏ”. Có bé gái xuất hiện ban ở dưới niêm mạc âm hộ (gọi là hạt Koplik) thì kể như chính xác bị virút sởi.

Sau 7-10 ngày nếu được chăm sóc chu đáo và không bị bội nhiễm loại vi khuẩn khác, bé hết sốt, các ban đỏ sẽ lặn dần, không để lại sẹo. Tuy nhiên, ngoài thể sởi thông thường còn có sởi xuất huyết, biểu hiện xuất huyết trong da, niêm mạc miệng, mũi, ruột, thường làm bệnh nhi tử vong.

Biến chứng của bệnh sởi

Đa số biến chứng ở hệ thống hô hấp: Viêm thanh quản (ho, khan tiếng), viêm mũi xuất tiết. Viêm phổi là biến chứng rất nguy hiểm cho trẻ. Nó là hậu quả của nhiễm virút sởi cộng với bội nhiễm phế cầu trùng, liên cầu trùng và tụ cầu. Viêm phổi khiến trẻ suy hô hấp. Những trẻ yếu, hệ miễn dịch hoạt động không hiệu quả thường bị viêm phổi tế bào khổng lồ (viêm phổi Hecht), rất dễ tử vong. Từ họng, virút chạy lên tai gây viêm tai giữa cấp tính. Virút chạy lên não gây viêm não tủy cấp. Virút cư ngụ ở mắt gây viêm giác mạc, loét giác mạc dẫn đến mù. Nếu trẻ qua khỏi thì cũng bị suy dinh dưỡng vì một thời gian dài chán ăn.

Chăm sóc trẻ bị bệnh sởi

Với trẻ sốt nhẹ nên giữ trẻ ở nhà, đặt trẻ trong phòng thoáng, tránh gió lùa. Hằng ngày lau da sạch sẽ, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, lau miệng bằng khăn mềm và sạch. Trẻ đang bú mẹ tiếp tục cho bú, trẻ cần uống nhiều nước trái cây, nhiều sữa. Trẻ ho cần cho uống thuốc giảm ho. Nếu trẻ sốt cao cần lau mình cho trẻ bằng khăn ấm. Tránh tình trạng vội vã cho trẻ dùng kháng sinh, chỉ nên dùng khi trẻ bị viêm thanh, khí, phế quản do bội nhiễm các vi khuẩn khác mà thôi. Các bạn nhớ là chúng ta chưa có kháng sinh diệt virút nên nếu dùng sẽ gây rối loạn vi khuẩn ruột hoặc có thể gây dị ứng thuốc. Chỉ nên dùng thêm vitamin A bảo vệ mắt và da.

Phòng bệnh sởi

Trẻ 9 tháng tuổi cần chích ngừa sởi để cơ thể trẻ có kháng thể chống lại virút. Khi có dịch, nếu trẻ tiếp xúc với virút sẽ không mắc hoặc tình trạng bệnh sẽ nhẹ hơn. Cần tập thói quen rửa tay sau khi ra đường về hoặc sờ vào bất kỳ vật gì để tránh lây nhiễm, trong đó có bệnh sởi.

rgeYJ6ZW.jpg

Tuổi Trẻ Cười số 498 ra ngày 1/5/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

BS TỊT TUỐT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên