10/01/2018 15:18 GMT+7

Bệnh dị ứng thời tiết không thể điều trị dứt điểm

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh

Dị ứng thời tiết là bệnh có liên quan tới hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với các tác động từ bên ngoài môi trường, cụ thể là thời tiết thay đổi đột ngột.

Bệnh dị ứng thời tiết không thể điều trị dứt điểm - Ảnh 2.

Ban đỏ nổi khắp cánh tay và vai do dị ứng thời tiết. Ảnh: medikalakademi.com.tr

Triệu chứng điển hình của dị ứng thời tiết là da nổi phát ban với các mảng mẩn đỏ, phù nề và ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa. 

Những vùng da tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt nhiều nhất như vùng cổ, mặt, tay, chân, thường bị nặng hơn những vùng da khác

Trường hợp mảng phù nề ở vùng mặt có thể gây phù nề mi mắt, môi, có thể gây biến dạng khuôn mặt. Có trường hợp da còn bị phỏng rộp, sưng đỏ, gây cảm giác ngứa rát rất khó chịu. Một số trường hợp còn xuất hiện các vết chàm, rỉ nước (thường ở trẻ nhỏ), chàm có thể xuất hiện ở mặt hoặc phần đầu gối hay khuỷu tay…

Nguyên nhân gây bệnh dị ứng thời tiết

Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết thường do người bệnh có cơ địa mẫn cảm. Triệu chứng của dị ứng thường xuất hiện và trở nặng hơn khi thời tiết chuyển mùa, khí hậu thay đổi đột ngột, mưa ẩm, gió lạnh, nắng nóng… 

Ngoài dị ứng với thời tiết, người bệnh có thể bị dị ứng khi ăn phải các thức ăn lạ, hoặc tiếp xúc với các dị nguyên khác như phấn hoa, khói, bụi…

Dị ứng thời tiết khiến người bệnh khó chịu do các ban trên da gây ngứa ngáy. Da vùng tổn thương dày lên từng mảng, phù nề, nóng bừng, toàn thân bứt rứt. 

Trường hợp dị ứng nặng có thể tụt huyết áp đột ngột gây choáng váng, ngất xỉu, khó thở, khò khè, tiêu chảy, nổi ban khắp người..., nếu không xử trí kịp thời có thể gây tử vong. 

Ngoài ra, dị ứng thời tiết gây ngứa nên bệnh nhân gãi nhiều khiến da bị trầy xước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng da.

Điều trị bệnh dị ứng thời tiết

Do bệnh liên quan đến yếu tố cơ địa nên dị ứng thời tiết chỉ điều trị khỏi từng đợt, chứ không thể chữa khỏi vĩnh viễn. Khi bị dị ứng nên đến bác sĩ để được kiểm tra chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Đối với một số bệnh nhân, khi thời tiết ấm lên, cơn ngứa cũng chấm dứt. Một số người khi bị dị ứng có thể dùng nước ấm chườm, hoặc tắm với nước nóng ấm để giảm ngứa.

Người có cơ địa dị ứng nên chuẩn bị sẵn thuốc dị ứng, nhất là ở thời điểm giao mùa. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc uống để điều trị từng đợt dị ứng thời tiết. Tuy nhiên, sử dụng loại thuốc nào, liều lượng ra sao, cần theo chỉ định của bác sĩ.

Cách tốt nhất để phòng dị ứng là nên tránh các dị nguyên gây dị ứng, như: Khói thuốc, đồ uống có cồn, khói bụi, phấn hoa...

Cần chủ động giữ ấm cơ thể như đầu, mặt, chân tay trong mùa lạnh để phòng ngừa dị ứng thời tiết. Tránh tiếp xúc với không khí lạnh cũng như nước lạnh càng nhiều càng tốt.

Dị ứng do thời tiết thường dẫn đến tình trạng khô da, bong tróc da, vì vậy cần dưỡng ẩm da. Cố gắng không gãi nếu bị ngứa để tránh làm tổn thương da.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên