19/11/2005 18:07 GMT+7

Bệnh "ăn theo" của phim truyền hình Hàn Quốc

VĂN NGUYỄN
VĂN NGUYỄN

TTCN - Năm 2004, phim truyền hình Hàn Quốc đã thắng tại thị trường trong nước và châu Á với những Chuyện tình Paris, Bản tình ca mùa đông, Nấc thang lên thiên đường, Ngôi nhà hạnh phúc...

hTOaBYB5.jpgPhóng to
TTCN - Năm 2004, phim truyền hình Hàn Quốc đã thắng tại thị trường trong nước và châu Á với những Chuyện tình Paris, Bản tình ca mùa đông, Nấc thang lên thiên đường, Ngôi nhà hạnh phúc...

Song 2005 được xem là năm đánh dấu sự xuống dốc của các phim truyền hình Hàn Quốc ở cả trong và ngoài nước. Một trong các nguyên nhân chính là do tình trạng “ăn theo” sự thành công của các bộ phim trước đó.

Có thể thấy rất rõ ở tựa phim và nội dung phim: Chuyện tình Harvard, Chuyện tình Praha ăn theo sự thành công của Chuyện tình Paris; Bản tình ca buồn nhai lại Bản tình ca mùa đông. Hậu quả là Chuyện tình Harvard dù được đầu tư lớn, thực hiện công phu, đoàn phim sang Mỹ chọn cảnh, khắt khe khi tuyển diễn viên, được đánh giá khá hơn so với các phim truyền hình khác trong năm 2005 nhưng cũng chỉ có 36% khán giả Hàn Quốc xem (trong khi Chuyện tình Paris là 47%).

Cũng như Chuyện tình Paris hay Chuyện tình Praha, “công thức” làm phim của Chuyện tình Harvard là: chi phí sản xuất lớn + dàn diễn viên sao + ngoại cảnh quay đẹp. Đồng thời phim còn có mặt nhiều diễn viên nước ngoài. Công phu là thế nhưng người xem vẫn cảm thấy vừa thiếu vừa thừa. Thiếu ở nét mới lạ, kịch tính và hấp dẫn, thừa ở cái lặp lại giống như nhiều bộ phim khác.

Thậm chí, nhiều cảnh khiến khán giả cảm thấy khó chịu vì diễn viên diễn giả tạo, gượng ép. Nếu Chuyện tình Paris thắng ở những cảnh quay yêu đương lãng mạn và thơ mộng thì Chuyện tình Harvard cũng có nhiều cảnh tương tự, song những cảnh Soo In và Hyun Woo vờn nhau trên bãi biển dù rất đẹp lại vô nghĩa: mỗi khi buồn hay vui họ đều ra biển nhưng họ chỉ biết... hò hét và đuổi bắt nhau; tâm trạng lãng mạn của nhân vật không ăn khớp ngoại cảnh nên thiếu hẳn vẻ mềm mại quyến rũ của một đôi lứa đang yêu.

Tương tự, trong Chuyện tình Paris, Ngôi nhà hạnh phúc có cảnh các diễn viên đi xe đạp nô đùa thì những hình ảnh đó lại xuất hiện trong Chuyện tình Harvard - một sự lặp lại đã trở nên nhàm chán.

Kim Rae Won đã đóng khá nhiều bộ phim truyền hình song không để lại ấn tượng gì đáng kể, chỉ tới bộ phim Trò chơi tình yêu sản xuất năm 2003, anh chàng người mẫu điển trai với lối diễn hài và tỉnh rụi mới ghi điểm với các đạo diễn, và được mời tham gia vai chính trong Chuyện tình Harvard. Những cảnh diễn đẫm nước mắt của Rae Won (không thành thục bằng lớp đàn anh như Kwon Sang Woo hay Bea Young Joon) gây bội thực vì gượng gạo.

Còn Kim Tae Hee dù nổi như cồn trong vai phản diện ở Nấc thang lên thiên đường nhưng cô nhập vai Soo In chưa chín. Chất đanh đá, thủ đoạn của nhân vật trong Nấc thang lên thiên đường dường như vẫn còn đọng ở vai Soo In, một cô gái con nhà bình dân, nghị lực và hiền thục. Những cảnh cần gây xúc động như khi Soo In có nguy cơ bị đuổi học do cứu người, hoặc cần thể hiện cảm xúc ướt át với người yêu thì Kim Tae Hee diễn cũng chỉ ở mức thường, không có dấu ấn gì đáng kể.

Sự thất bại của nhiều bộ phim Hàn Quốc trong năm 2005 đã khiến cơn sốt phim Hàn tại nhiều nước châu Á lắng xuống. Tại Trung Quốc, các bộ phim chất lượng cao trong nước dần lấn át phim Hàn.

Tình hình đó đã khiến các sao lớn của màn ảnh nhỏ Hàn Quốc bắt đầu đổ xô sang lĩnh vực điện ảnh: Kwon Sang Woo với Thú hoang, Lee Byung Hun với Cuộc sống ngọt ngào, Lee Young Ae với Nàng Kem Ja thân thiện, Kim Hee Sun thì sang Trung Quốc đóng Thầnthoại. Mặt khác, do phim tình cảm ướt át có chiều hướng đi xuống, nhiều đạo diễn Hàn Quốc quay sang sản xuất phim cổ trang.

VĂN NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên