15/05/2014 07:43 GMT+7

Bay cùng ý tưởng sáng tạo sinh viên

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Dù mới chỉ dừng ở ý tưởng song đều là những tìm tòi, sáng tạo bắt nguồn trước đòi hỏi của cuộc sống và đều có tính khả thi.

a2Teer8u.jpgPhóng to
Sinh viên dự thi thuyết trình về ý tưởng của mình trước ban giám khảo và khán giả - Ảnh: Q.L.

Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo sinh viên S-ideas” do Đoàn Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) tổ chức bảy năm qua đã tạo đất dụng võ cho nhiều sinh viên thỏa giấc mơ bay bổng, lãng mạn với sự sáng tạo của mình.

Thỏa sức sáng tạo

Chín ý tưởng được chọn vào chung kết năm 2014 mang đến nhiều góc nhìn đa dạng, thể hiện sức sáng tạo của sinh viên. Từ câu chuyện không đẹp về ý thức chưa hay của nhiều người sử dụng thiết bị vệ sinh tại các nhà vệ sinh công cộng, bạn Lê Trung Nghĩa (khoa sinh học) nghĩ ra việc làm thêm dụng cụ tự nâng bệ bồn cầu. Chứng minh cho ý tưởng của mình, Nghĩa ghi nhận lại hình ảnh thực tế tại các nhà vệ sinh khi người ta ngang nhiên giẫm giày lên bồn cầu.

Thiết kế của Nghĩa khá đơn giản, có thể dùng chất liệu không quá mắc tiền, gắn trực tiếp vào bồn cầu và dùng lực đàn hồi của lò xo để nâng và hạ bệ bồn cầu. “Mỗi khi sử dụng xong, dụng cụ sẽ tự động nâng bệ bồn cầu lên, người sử dụng không phải dùng tay nên không sợ mất vệ sinh. Tuy vậy, mình vẫn đang nghiên cứu thêm để có cách nào hạ bệ bồn cầu xuống tiện dụng hơn cho người sử dụng sau” - Nghĩa nói.

Từ câu chuyện xe buýt thường đông khách vào giờ cao điểm, nhóm ba bạn Nguyễn Quốc Thuận, Phan Thị Son và Phạm Thị Bích Sơn (khoa sinh học) nghĩ ra ý tưởng thiết kế thiết bị kết nối giữa hành khách và xe buýt. Các bạn cho biết sẽ dùng sóng cho việc thu phát tín hiệu, giúp hành khách biết được tuyến xe buýt mình chờ sắp đến chưa, cũng như tài xế biết rằng ở trạm kế tiếp có hành khách hay không, nếu không có thể không cần ghé đón khách để giảm bớt áp lực giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.

Hay như nhóm bạn đến từ nhiều khoa khác nhau: Dương Quý Đăng, Hồ Xuân Vinh, Trần Thy Thy và Nguyễn Hữu Phước chọn thiết kế một game trò chơi mà ở đó người chơi sẽ học được những kỹ năng mềm cần thiết trong cuộc sống. Trong khi liên minh của hai cô bạn Phan Phạm Anh Thư (khoa hóa học) và Lê Huỳnh Trúc Ly (khoa môi trường) có đến hai ý tưởng liên minh cùng nhau vào vòng chung kết. Nếu ý tưởng về quy trình sản xuất thép tiết kiệm chưa được đánh giá cao thì ý tưởng sản xuất mặt nạ hàn điện lại được giám khảo và khán giả chú ý bởi tính khả thi, có khả năng ứng dụng cao trong thực tế.

Ý tưởng tạo ra một chất mới pha trong rượu bia vừa giúp giải rượu vừa làm người uống không còn cảm giác muốn uống thêm của bạn Đào Thị Hồng Thư (khoa sinh học), hoặc ý tưởng chế tạo loại đầu lọc thuốc lá với các vật liệu có thể sử dụng trồng cây xanh sau đó, phân hủy khói độc trước khi thải ra môi trường của hai chàng trai Nguyễn Xuân Quý, Phạm Tất Đạt (khoa sinh học) dù chưa thật khả thi song đã chứng minh sức sáng tạo, ý tưởng bay bổng nhưng gắn liền với giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra.

Chặng đường phía trước

Ngoài sự khen ngợi, các thành viên ban giám khảo cũng thẳng thắn giúp sinh viên nhận ra sự sáng tạo nhất thiết phải gắn liền với cuộc sống, giải quyết những đòi hỏi của thực tế. Thạc sĩ Đoàn Kim Thành - giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học & công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM - cho rằng có nhiều ý tưởng hay nhưng vẫn còn những suy nghĩ, sáng tạo đôi khi mang lại cảm giác làm “phức tạp hóa” những điều vốn đơn giản trong cuộc sống.

Chia sẻ về sân chơi này, phó bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học tự nhiên Nguyễn Thái Hà cho biết sau bảy lần tổ chức, Đoàn trường đã nghĩ đến một định dạng mới cho lần tổ chức sau. “Ngay trong năm tới sẽ liên kết với doanh nghiệp để họ đưa ra gợi ý và trên cơ sở đó sinh viên đề xuất giải pháp giải quyết đặt hàng này” - anh Hà cho biết. Theo anh Hà, điều này sẽ tạo cơ hội để sinh viên được đến thực tế ngay tại các doanh nghiệp ấy, tư duy vấn đề trên thực tế đang diễn ra để ý tưởng sáng tạo hay giải pháp phải gần gũi, khả thi và khả năng hiện thực hóa vào thực tế cao hơn.

Có mặt tại vòng chung kết, một vài đại diện doanh nghiệp tham gia ban giám khảo, nhưng cũng có người chỉ đến với tư cách quan sát, đồng hành ủng hộ nhưng họ đã giúp các bạn sinh viên rút ra nhiều kinh nghiệm. Đó là việc cần khảo sát phạm vi nhỏ thôi về mô hình, sản phẩm mà mình có ý tưởng thực hiện đang có trên thị trường ra sao để cơ sở ý tưởng của mình thật chắc. Đó là phải nghĩ ngay đến việc đăng ký bản quyền sản phẩm để được bảo hộ quyền sở hữu, quyền tác giả vì mọi ý tưởng đều có thể bị ăn cắp bất cứ lúc nào.

Ươm mầm đam mê sáng tạo

Có đến 110 ý tưởng được sinh viên các khoa đăng ký tham dự cuộc thi năm nay. Đoàn trường tổ chức sàn ý tưởng để giúp sinh viên có cơ hội giao lưu, tương tác trực tiếp với các thầy cô giáo có kinh nghiệm và hướng dẫn các bạn chọn được hướng nghiên cứu phù hợp. Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho cuộc thi, Đoàn trường còn mở chuyên đề phương pháp phát triển ý tưởng sáng tạo để sinh viên cùng chia sẻ và hiểu hơn cách thức hình thành, xây dựng và hoàn thiện ý tưởng của mình.

Chín ý tưởng được chọn vào chung kết để thuyết trình và được hội đồng giám khảo phản biện, trao đổi làm rõ thêm những điều còn hạn chế trong hướng nghiên cứu. Hai giải nhất đồng hạng được trao cho bạn Lê Trung Nghĩa (khoa sinh học) với ý tưởng “Dụng cụ tự động nâng bệ bồn cầu” và nhóm hai cô gái Phan Phạm Anh Thư (khoa hóa học), Lê Huỳnh Trúc Ly (khoa môi trường) với ý tưởng “Mặt nạ hàn điện AHT” cùng một số giải thưởng cho các ý tưởng khác.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên