23/05/2019 10:41 GMT+7

Bầu cử nghị viện: ba thách thức của EU

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Từ ngày 23 đến 26-5, người dân của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ đi bỏ phiếu để chọn ra 751 ghế trong Nghị viện châu Âu.

Bầu cử nghị viện: ba thách thức của EU - Ảnh 1.

Một phụ nữ đi ngang biển quảng cáo bầu cử Nghị viện châu Âu đặt ở nhà ga Schuman, Bỉ ngày 22-5 - Ảnh: Reuters

Nếu như đối với các nước bên ngoài, EU được nhắc đến như một hình mẫu của sự liên kết khu vực thì đối với người dân châu Âu, chưa bao giờ EU lại đứng trước những thách thức to lớn, đe dọa đến sự tồn tại của liên minh như hiện nay.

Trong cuộc thăm dò dư luận của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) tiến hành ở 14 nước thành viên được công bố ngày 16-5 vừa qua, đại đa số người dân EU tuy vẫn bày tỏ sự ủng hộ đối với EU nhưng cũng lo ngại rằng đây có thể là lần cuối cùng bỏ phiếu của họ và EU có thể không còn tồn tại trong 10 - 20 năm tới (58% người ở Pháp, 58% ở Ý, 52% ở Hà Lan, 50% ở Đức...).

Kể từ sau cuộc bầu cử năm 2014, một loạt diễn biến mới đã đặt EU trước những đe dọa mang tính sống còn. Thứ nhất phải kể đến sự kiện Brexit (Anh rời EU); lần đầu tiên kể từ khi thành lập, một thành viên lớn, nền kinh tế lớn thứ hai EU rút khỏi liên minh. 

Mặc dù Brexit không dẫn đến làn sóng rời EU như nhiều lo ngại ban đầu nhưng đã để lại những hậu quả không nhỏ cho liên minh hiện nay và trong nhiều năm tới.

Thứ hai là lòng tin của người dân đối với EU sụt giảm, thậm chí xuống rất thấp ở nhiều nước vốn được coi là hưởng lợi nhiều từ việc là thành viên EU như Ý hay các nước Đông Âu. Cho dù đại đa số vẫn tin tưởng vào những lợi ích do EU mang lại, cuộc khảo sát của ECFR đã cho thấy đại đa số cử tri cho biết họ mất lòng tin vào EU và muốn thấy một EU thay đổi.

Thứ ba là những vấn đề lớn của EU vẫn đang còn đó. Các nước EU dường như vẫn chưa gượng lại được sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009; những căng thẳng địa chiến lược với Nga vẫn không được giải quyết; vấn đề nhập cư làm chia rẽ và gây căng thẳng giữa các thành viên trong khối...

Những khó khăn này là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân túy bài EU trỗi dậy. Với các thông điệp chống lại hội nhập châu Âu, kêu gọi trả lại quyền lực cho các chính phủ quốc gia, đánh vào tâm lý bài nhập cư, bài Hồi giáo, bài thể chế..., các ứng cử viên dân túy và cực hữu như Le Pen của Pháp hay Salvini của Ý đẩy mạnh vận động, tạo lập một mặt trận chung trong cuộc bầu cử lần này với lời hứa hẹn sẽ mang đến một thời kỳ mới cho người dân châu Âu.

Nếu kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây là chính xác thì các ứng cử viên theo trào lưu dân túy, phản đối EU sẽ giành thêm ghế trong cuộc bầu cử lần này so với các chính đảng lớn hiện nay ở châu Âu. 

Theo dự kiến, các đảng dân túy có thể giành đến 1/3 số ghế tại Nghị viện châu Âu và với tiếng nói lớn hơn trong Nghị viện châu Âu có thể làm chậm lại hoặc cản trở những chính sách của EU.

Nhưng dù vậy, ảnh hưởng của các chính đảng này cũng có giới hạn, các chính đảng có lập trường ôn hòa, ủng hộ việc hội nhập châu Âu vẫn sẽ chiếm đa số. 

Và các đảng dân túy, tuy bề ngoài cùng phản đối vai trò của EU nhưng trên thực tế lại có quan điểm khác nhau trong nhiều vấn đề cụ thể, không phải khi nào các đảng phái này cũng đồng quan điểm và có thể tạo mặt trận chung trong Nghị viện châu Âu.

Kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới sẽ là thước đo phản ánh ý nguyện của các cử tri EU và định hình hướng đi của EU trong 5 năm tới. Chúng ta sẽ chờ xem liệu EU - một tổ chức khu vực từng được coi là thành công nhất thế giới - có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trong lịch sử hơn 60 năm tồn tại của mình.

EU sẽ đồng ý hoãn Brexit đến cuối 2019 hoặc tháng 3-2020 EU sẽ đồng ý hoãn Brexit đến cuối 2019 hoặc tháng 3-2020

TTO - Liên minh châu Âu (EU) sẽ cho phép Thủ tướng Anh Theresa May hoãn Brexit lần thứ hai nhưng có thời hạn dài hơn trong khi Pháp đang thúc đẩy các điều kiện để giới hạn khả năng làm suy yếu khối của Anh.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên