21/05/2006 03:01 GMT+7

"Bắt chồng" từ thuở... 12

HOÀI NHÂN - HOÀNG NGỌC 
HOÀI NHÂN - HOÀNG NGỌC 

TT - Đi về phía đại ngàn, chúng tôi bắt gặp đó đây những cặp vợ chồng trẻ con, mà đằng sau là những tập tục lạc hậu đè nặng lên những phận người nơi góc núi...

iimwDjsE.jpgPhóng to
Hai chị em 13 và 10 tuổi ở làng Vòng, xã A Xau, Tây Giang (Quảng Nam) trên đường lấy củi "hứa hôn" trở về làng - Ảnh: HOÀI NHÂN
TT - Đi về phía đại ngàn, chúng tôi bắt gặp đó đây những cặp vợ chồng trẻ con, mà đằng sau là những tập tục lạc hậu đè nặng lên những phận người nơi góc núi...

Nhọc nhằn gánh củi hứa hôn

Bà Hồ Thị K., ở thôn Công Tơ Năng, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, Quảng Nam, mẹ của cô bé Hồ Thị C., than thở với tôi rằng: “Nó đang học lớp 7 trường dưới huyện. Nhưng già làng bảo: đã đến tuổi phải bắt chồng, con gái lớn trong nhà không bắt chồng là không được!”.

Già làng nói mãi, ban đầu bà K. cũng như bé C. không chịu, nhưng già làng lại tới ra lời phán: “Nếu trái ý, giàng không ưng cái bụng, cả nhà mày phải ra khỏi làng!”. Thế là cách nay hai năm, cô bé học trò lớp 7 phải khăn gói về làng để chịu tục “bắt chồng”. Và chuyện này rất bình thường ở nhiều ngôi làng khuất xa dưới dãy Trường Sơn.

Nhà C. nghèo, nhà “chú rể tương lai” tên T. cũng nghèo, mà cái việc bắt chồng của người nghèo cũng phải khác. Đã khuya lắm rồi, khi C. đang ngủ say thì cả đoàn nhà trai kéo sang nói chuyện với cha mẹ C., rồi đánh thức cô bé C. dậy cho đúng thủ tục.

PKO8y4VK.jpgPhóng to
Ở những ngôi làng heo hút vùng cao trên dãy Trường Sơn, tập tục bắt chồng, tảo hôn vẫn còn nặng nề - Ảnh: H.NHÂN
Người làng hỏi C.: “Mày có chịu bắt thằng T. làm chồng không?”. Cô bé C. gật đầu và lăn ra ngủ tiếp. Mặc, hội đồng già làng âm thầm làm lễ ăn thề giữa đêm khuya với lễ vật chỉ đơn giản gồm một con gà cắt lấy tiết và ghè rượu cần. Lễ ăn thề kết thúc khi tiếng gà rừng gáy lảnh lót phía sau núi. Theo luật tục, sau đó khoảng 2-3 tháng gia đình tổ chức làm đám cưới.

Sau lễ cưới đơn giản , C. lên rẫy gom chẻ cho được 20 bó củi thật đẹp để gùi sang nhà T. gọi là củi hứa hôn. Chỉ cần 20 thay vì 100 bó, vì chỉ còn 20 ngày nữa cô bé C. phải sang nhà T. làm dâu. Nhưng nhà T. nghèo, sau đêm bắt vợ, C. về ở, lo việc bếp núc cho nhà chồng, ngày ngày vác gùi lên nương.

Ngày ấy C. vừa bước sang tuổi 14. Khi chúng tôi đến đây, hai mùa trăng đã qua, C. 16 tuổi và đã có hai con với gương mặt già trước tuổi... Ngày ngày lên nương ẵm, gùi theo hai đứa con nhỏ xíu, C. thường khóc thút thít khi nhìn bạn bè cùng trang lứa như mình đang tung tăng đến trường...

Tiếng thở dài phía sau núi

Theo thống kê chưa đầy đủ ở sáu xã miền núi huyện Phước Sơn, trong thời gian qua đã có 14 trường hợp tảo hôn. Đôi nhỏ nhất là Hồ Văn T. và Hồ Thị D. đều 12 tuổi và đôi “lệch pha” nhất là Hồ Thị N. đã 25 tuổi, còn chồng là Hồ Văn C. chỉ mới 15 tuổi.

Còn chuyện “bắt chồng” nhiều đến mức khó mà thống kê hết. Chỉ cần con gái bắt đầu gùi được củi từ núi về là hội đồng già làng nghĩ đến chuyện bắt chồng được rồi. Và khi con gái bắt chồng cũng đồng nghĩa với việc tỉ lệ bỏ học tăng lên.

Khi chúng tôi hỏi nguyên nhân dẫn đến tục tảo hôn, chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Mỹ Hồ Thị Nhiên cho biết: “Những người già trong làng ngồi uống rượu với nhau, rồi bàn chuyện bắt chồng bắt vợ cho con cháu trong làng. Khi chính quyền biết thì họ đã lỡ lấy nhau rồi và theo lệ làng thì không thể bỏ nhau được. Chính quyền cũng khó xử, vì luật tục của làng đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào vùng cao”.

Buổi chiều, khi chúng tôi chuẩn bị xuống núi thì bắt gặp hình ảnh thật xúc động: hai cô bé chỉ khoảng lên mười đang thay nhau gùi những gánh củi to. Cô chị tên Hồ Thị D., 13 tuổi, còn cô em Hồ Thị E. chỉ mới 10 tuổi. Bé D. cho biết: đó là những gánh củi hứa hôn mà gia đình bắt cô phải gùi về theo đúng tập tục.

Cô bé D. chưa biết gì về “người chồng” tương lai của mình, còn cô em gái thì hăng hái ôm cả khúc củi to, bởi bé suy nghĩ đơn giản là giúp chị mình có thật nhiều củi. Hai chị em rảo bước nhanh về phía buôn làng, bóng nhập nhòa sau ánh hoàng hôn dưới chân dãy Trường Sơn sao mà buồn và xót xa quá...

Ông Nguyễn Thùy, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em Quảng Nam:

Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em đang phối hợp với các cơ quan đoàn thể và chính quyền địa phương tập trung công tác vận động bà con vùng cao xóa bỏ tập tục tảo hôn cùng nhiều hủ tục lạc hậu khác. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn: trình độ dân trí, địa bàn sâu, xa và dân làng vốn quen ứng xử theo luật tục...

Ông Nguyễn Hữu Sáng, bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam:

Những năm qua, tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều chuyến công tác xã hội về các xã vùng sâu vùng xa của tỉnh để tuyên truyền vận động bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu và giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên công việc gặp nhiều khó khăn do đặc thù vùng núi Quảng Nam khá hiểm trở, nhiều bản làng heo hút, muốn đến phải hai ba ngày đường đi bộ. Tỉnh đoàn đang lập kế hoạch xây dựng một lực lượng thanh niên tình nguyện lồng ghép các chương trình xã hội, để từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, nhất là nạn tảo hôn trong cộng đồng bà con dân tộc vùng cao.

HOÀI NHÂN - HOÀNG NGỌC 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên