14/07/2012 07:03 GMT+7

Bất an với đường mới

TRÀ GIANG
TRÀ GIANG

TT - Dân các xã Tịnh Long, Tịnh An của huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) lo lắng không biết ra đồng sản xuất cách nào khi tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê đang thi công chắn ngang khu dân cư và đất sản xuất.

zgWqwBr2.jpgPhóng to
Đường bêtông cũ bị đường mới và nhà dân che hai bên như một lòng kênh, mùa mưa sẽ rất nguy hiểm - Ảnh: TRÀ GIANG

Cùng với đó là nỗi bất an về nguy cơ bị lũ nhấn chìm nhà cửa vào mùa mưa bão cũng đang hiển hiện.

Đường cao gần bằng nóc nhà

Ba lần gia hạn vẫn chưa có mặt bằng

Tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê dài trên 12km, vốn đầu tư gần 730 tỉ đồng, được tỉnh Quảng Ngãi xác định là một trong những công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt trong việc quy hoạch mở rộng TP Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, ngoài bất cập về thoát lũ, gây khó khăn cho người dân sản xuất nông nghiệp thì công trình này cũng đang chậm tiến độ. Ông Nguyễn Văn Minh cho biết chậm là do UBND huyện Sơn Tịnh giải phóng mặt bằng không được.

Theo hợp đồng, đến ngày 30-4-2010 bàn giao mặt bằng sạch để nhà thầu thi công, nhưng sau đó gia hạn đến 30-12-2010, rồi gia hạn tiếp đến 30-12-2011 cũng không xong, lại gia hạn đến 30-6-2012 vẫn chưa xong.

Ông Nguyễn Ngọc Minh (xóm 6, thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An) vừa nói vừa giơ tay với lên như đo chiều cao, ước tính nếu so với nền đường cũ thì nền đường mới cao hơn 3m, trong khi nhà dân ở đây chỉ làm cao chừng 2,5-3m nên mặt đường gần như cao bằng nóc nhà.

“Tuyến đường mới được thi công đã biến tuyến đường cũ bằng bêtông liên thôn như lòng một con kênh, mấy trận mưa đầu mùa vừa rồi bị ứ nước, dồn về cống thoát chảy xiết rất nguy hiểm. Đến mùa lũ, nước từ khu dân cư đổ ra, từ sông Trà Khúc tràn ngược vào, dân ở đây chỉ có nước bơi” - ông Minh lo lắng.

Nhiều hộ dân các thôn Long Bàn, Ân Phú, Tân Lập cũng đang lo lắng. Ông Phạm Hội (xóm 6, đội 15) dựng chiếc xe đạp thồ trên mặt đường Mỹ Trà - Mỹ Khê đang thi công dở dang, vác từng bao bắp (ngô) từ dưới ruộng lên. Quệt vội những giọt mồ hôi, ông nói đứt quãng do quá mệt: “Chưa làm đường, bà con đi thẳng ra đồng sản xuất, xe đến tận chân ruộng. Nay thì đường cao ngất, không đẩy xe lên dốc được nên đành phải vác từng bao lên, mệt đứt hơi”.

“Bây giờ làm đường chưa xong, bà con còn đi lại được. Mai mốt đường hoàn thành, làm lan can hai bên đường, xe chạy vùn vụt, ai dám băng đường ra ruộng nữa. Chắc phải bỏ ruộng hoang!” - bà Cao Thị Nuôi, 45 tuổi, lo lắng.

Xã Tịnh Long nằm ở cuối nguồn sông Trà Khúc, là rốn lũ của Quảng Ngãi mỗi khi mùa mưa bão đến. Vậy nên người dân ở đây càng bất an gấp bội. Anh Phan Tấn Cảnh (đội 2, thôn Gia Hòa) nói: “Thôn Gia Hòa, Tăng Long lâu nay như chiếc phễu hứng nước của sông Trà Khúc, ngập úng nhà cửa, đồng ruộng. Năm nay chắc sẽ còn nặng hơn vì tất cả cống thoát nước tự nhiên đã bị tuyến đường bít chặn”.

Không thể mở đường dân sinh

Trước bức xúc của người dân, UBND xã Tịnh An đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư cho mở đường ngang dân sinh, mở thêm cống để tiêu nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Minh - giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi (đơn vị chủ đầu tư), hiện Chính phủ không cho điều chỉnh, phát sinh các hạng mục dự án so với dự án được duyệt ban đầu. Vì vậy, xử lý khối lượng phát sinh dẫn dòng với các cống để thoát nước úng là khó.

Cho dân mở đường ra ruộng sản xuất cũng rất khó vì đây là đường phố chính cấp 2, tốc độ 80km/giờ, nếu cho băng ngang ở bốn xã, thị trấn sẽ tạo thành một loạt đường ngang đấu nối không an toàn cho lưu thông. Cho nên Sở GTVT đã có văn bản trả lời xã Tịnh An là không nhất trí đấu nối đường ngang băng qua đường Mỹ Trà - Mỹ Khê vì lợi ích cộng đồng, đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đồng ý sử dụng các cống thoát nước kết hợp đường chui dân sinh để người dân qua lại.

Cống thoát nước mà ông Minh nói được thiết kế âm dưới lòng đường, có ba ngăn, quan sát thì khá rộng nhưng theo người dân không hợp lý bởi quá thấp, khi nước mưa xuống, nước sông tràn ngược vào sẽ gây đọng bùn đất, dân không đi được. Hơn nữa lại là cống tập trung nên nước sẽ bị dồn ứ, không thoát kịp, cây nông nghiệp, nhà cửa sẽ bị nước “ngâm” lâu hơn. Lý giải vấn đề này, ông Minh cho rằng vào mùa mưa, khu vực sản xuất nông nghiệp sẽ bị ngập hoàn toàn nên sẽ không có chuyện sản xuất.

Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của dân, nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, đề nghị người dân chia sẻ với chủ đầu tư.

TRÀ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên