02/01/2019 09:15 GMT+7

Bảo hộ công dân thời tin giả

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Trung bình hằng năm có hơn 9 triệu lượt công dân Việt Nam ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau như lao động, du lịch, thăm thân nhân... Do vậy, thông tin về bảo hộ công dân ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm rất lớn.

Bảo hộ công dân thời tin giả - Ảnh 1.

Các kim tự tháp Ai Cập huyền bí luôn là điểm đến hấp dẫn với các du khách nước ngoài, trong đó có người Việt Nam - Ảnh: AFP

Sáng thứ bảy (29-12), báo Tuổi Trẻ nhận được thông tin từ một bạn đọc được cho là thân nhân của một nạn nhân trong vụ đánh bom khủng bố chấn động nhằm vào xe buýt chở đoàn du khách Việt ở Ai Cập khuya 28-12 (theo giờ Việt Nam).

Phóng viên Tuổi Trẻ liền gọi điện cho một đại diện có thẩm quyền phát ngôn của Bộ Ngoại giao, vị này cho biết toàn bộ đại sứ quán đã có mặt ở bệnh viện từ rạng sáng cùng ngày (giờ địa phương) và nói thêm: "Chiều nay, hai thân nhân đầu tiên sẽ bay sang Ai Cập với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam".

Sau đó, Bộ Ngoại giao đã công bố đường dây nóng ở Ai Cập, liên tục chủ động cung cấp các thông tin, hình ảnh kịp thời về công tác bảo hộ công dân các nạn nhân của vụ đánh bom, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của dư luận trong nước, qua đó góp phần xóa tan những tin giả, tin xuyên tạc trên mạng xã hội.

Ngày càng nhiều người Việt ra nước ngoài trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Mặt khác, tình hình thế giới những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khả năng phát sinh các tình huống khủng hoảng luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo hộ công dân, đặc biệt trong việc cung cấp thông tin.

Sau những phàn nàn về việc chậm thông tin những sự việc nóng liên quan đến người Việt ở nước ngoài trong quá khứ, gần đây Bộ Ngoại giao đã cho thấy sự chủ động thông qua những hành động, phản ứng kịp thời.

Theo đề nghị của bộ, từ đầu năm 2018, mạng Viettel đã gửi thông báo số tổng đài bảo hộ công dân đến tất cả các máy di động chuyển vùng quốc tế của Viettel (roaming) khi ra nước ngoài.

Nhiều cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước đã lập các kênh thông tin trên mạng xã hội để cập nhật, đăng tải các khuyến cáo đi lại cho công dân khi xảy ra các tình huống khủng hoảng.

Bộ Ngoại giao cho hay đang nghiên cứu khả năng xây dựng trung tâm xử lý khủng hoảng để kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc ở Hà Nội chiều 28-12, ông Võ Văn Thưởng - trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần làm tốt trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí.

Ông nói: "Nếu các cơ quan nắm thông tin làm tốt trách nhiệm, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí, các cơ quan báo chí tỉnh táo thực hiện chặt chẽ quy trình, phê phán mạnh mẽ hơn các điểm yếu của mạng xã hội về khuynh hướng tiêu cực, độ cực đoan, độ chính xác thấp..., chắc chắn sẽ nắm chắc được quyền chủ động thông tin".

Nhìn rộng ra, nếu các cơ quan chức năng hoạt động như một cầu nối thực sự với báo chí, dựa vào báo chí để thông tin chính thống, chính xác và kịp thời cho công chúng thì đó là liều thuốc giải độc tốt nhất cho những thông tin sai lệch, thông tin suy đoán, không kiểm chứng đang tràn lan trên mạng xã hội hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các biện pháp bảo hộ công dân Việt Nam tại Ai Cập Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các biện pháp bảo hộ công dân Việt Nam tại Ai Cập

TTO - Đầu giờ chiều 29-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam vô cùng phẫn nộ và cực lực lên án hành động khủng bố làm chết và bị thương nhiều người Việt Nam vô tội.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên