13/06/2015 09:16 GMT+7

Báo chí và trách nhiệm 
với thân phận con người

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Đại diện những người làm báo đến từ 38 cơ quan báo chí trên địa bàn TP.HCM đã phân tích, mổ xẻ về ứng xử của báo chí trước những thông tin được cho là nhạy cảm...

Bà Thân Thị Thư - trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Bà Thân Thị Thư - trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Bà Thân Thị Thư, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh như trên tại tọa đàm “Trách nhiệm và bản lĩnh của cơ quan báo chí trong quy trình thực hiện tin bài thời sự” do Ban tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin - truyền thông, Hội Nhà báo TP.HCM phối hợp tổ chức tại báo Tuổi Trẻ chiều 12-6.

Tại tọa đàm, đại diện những người làm báo đến từ 38 cơ quan báo chí trên địa bàn TP.HCM đã phân tích, mổ xẻ về ứng xử của báo chí trước những thông tin được cho là nhạy cảm; bản lĩnh của nhà báo trong thời đại của những “cơn cuồng phong” về thông tin thể hiện ở chỗ nào; cơ quan quản lý nhà nước nên can thiệp thế nào đến quy trình thực hiện tin bài...

Trách nhiệm của báo chí suy cho cùng là trách nhiệm với từng thân phận con người trong xã hội
Bà THÂN THỊ THƯ

Chọn cách tiếp cận chứ đừng từ chối đưa tin

Nhà báo Đức Hiển, tổng thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM, phản ảnh: “Từ trước đến nay, các cơ quan truyền thông thường nhận được chỉ đạo: thông tin nhạy cảm đề nghị báo chí cân nhắc. Trước tình huống đó, cách chọn lựa của cơ quan báo chí thường là chấp hành. Hiếm khi có sự tranh luận là tại sao phải như vậy, hoặc khi chúng tôi hỏi mà chưa có ai trả lời.

Chúng ta cứ nói là nhạy cảm nhưng chưa bao giờ ngồi lại với nhau để xác định thế nào là nhạy cảm. Điều này khiến người làm báo có sự cảnh giác và cẩn trọng, tạo tâm lý tự kiểm duyệt, thúc thủ trước sự kiện”.

Tâm lý thúc thủ và sự can thiệp chỉ đạo này làm con đường đưa thông tin đến bạn đọc không được suôn sẻ, khiến báo chí không làm tròn trách nhiệm.

Trước thực tế đó, nhà báo Đức Hiển đặt vấn đề: “Như vậy có nên đưa thông tin nhạy cảm hay không? Và nếu chúng ta không đưa tin thì ngươi dân có biết hay không khi mà hiện nay chỉ cần một chiếc điện thoại di động thông minh, ai cũng có thể tiếp cận thông tin dễ dàng và nhanh chóng?

Tôi cho rằng nên lựa chọn cách tiếp cận chứ không phải từ chối việc đưa tin, phải vào cuộc một cách có trách nhiệm thay vì né tránh”.

Đồng tình với quan điểm này, nhà báo Phạm Trường - ủy viên ban biên tập, trưởng ban chính trị xã hội báo Sài Gòn Giải Phóng - cho rằng thời nay khi mọi công dân đều có thể thành nhà báo thì tính chủ động của báo chí phải nâng lên.

Cơ quan quản lý báo chí cũng phải am hiểu nghiệp vụ báo chí để sát cánh cùng cơ quan báo chí, có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời.

“Đất nước đang trên đà hội nhập, đang trong quá trình phát triển - nhiều vấn đề giữa trong nước và ngoài nước còn độ vênh - vậy trong bối cảnh toàn cầu hiện nay thì phải có một chiến lược thông tin để các cơ quan báo chí hoàn thành trách nhiệm” - ông Trường đề xuất.

Tính nhân văn của người làm báo

Nhà báo Trường Uy, thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, đem đến tọa đàm câu chuyện mà anh gọi là “chuyện bếp núc” trong xử lý tin bài của tòa soạn: “Mới đây, Tuổi Trẻ có đăng thông tin về câu chuyện cậu học trò lớp 12 Đỗ Quang Thiện bị áp giải tại sân trường vì liên quan đến một vụ tai nạn giao thông. Sau đó em được hoãn thi hành án để tham gia kỳ thi cuối năm. Nếu theo luồng thông tin các báo sẽ chạy theo làm tiếp: có phải em học sinh này gây ra tai nạn giao thông hay không? Và thực tế nhiều báo mạng đã khai thác theo hướng: Cậu học sinh lớp 12 và ký ức 52 ngày trong tù...

Tuy nhiên, chúng tôi cân nhắc và thấy rằng nếu báo chí tiếp tục đưa tin, tiếp tục khơi gợi thì dù là theo hướng nào, em học sinh này cũng khó lòng bình tâm thi tốt. Cuối cùng, Tuổi Trẻ quyết định dừng lại dù trong tay chúng tôi đã có nhiều tư liệu”.

Anh Trường Uy trăn trở: “Cô Monica Lewinsky - nữ thực tập sinh từng dính líu đến vụ bê bối lạm dụng tình dục của tổng thống Mỹ Bill Clinton - đã nói một câu tôi cho là thấm thía: “Việc làm nhục tập thể người khác trên mạng là một môn thể thao đẫm máu cần phải dừng lại.

Và hiện nay, dù Facebook đã yêu cầu người dùng phải chính danh thì vẫn chưa thể ngăn chặn được môn thể thao “đẫm máu” này. Mạng xã hội, báo chính thống, báo mạng... đều nên tuân thủ nguyên tắc: tính đa chiều, độ lùi cần thiết và tính nhân văn. Nếu làm tốt và đảm bảo được điều này mới thể hiện được trách nhiệm và bản lĩnh của người làm báo trong thời đại truyền thông mới.

Chia sẻ với cách nghĩ này, ông Đào Văn Lừng - vụ trưởng, trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo trung ương tại TP.HCM - khẳng định: Bản lĩnh của báo chí không chỉ là dám đăng mà còn là dám dừng lại. Trong cơn cuồng phong về thông tin hôm nay thì rất cần bản lĩnh dừng lại.

Ông cũng đồng tình về việc báo chí nên lựa chọn cách tiếp cận thế nào có lợi nhất cho đất nước trước những vấn đề nhạy cảm chứ không nên tự kiểm duyệt rồi bó tay thúc thủ.

Kết luận buổi tọa đàm, bà Thân Thị Thư ghi nhận sự đóng góp rất lớn của báo chí với sự nghiệp xây dựng và phát triển TP. Bà Thư nói nghề làm báo là nghề rất vinh dự, rất ý nghĩa nhưng cũng nhiều rủi ro mà không phải ai cũng thấu hiểu.

Bà Thư cũng nhìn nhận trách nhiệm của Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM là làm sao cung cấp thông tin định hướng nhanh hơn, chính xác hơn cho báo chí.

“Chúng ta có nhiệm vụ đặc biệt: là cơ quan báo chí cách mạng. Phải làm sao để nâng cao trách nhiệm và bản lĩnh của những người làm báo cách mạng: cái gì có lợi cho cách mạng, cho Đảng, cho dân chúng ta làm. Trước hết là phải đào tạo, đào tạo lại để làm nghề.

Ngoài ra còn phải bồi dưỡng nhận thức, bồi dưỡng đạo đức trách nhiệm và lương tâm. Bởi trách nhiệm của báo chí suy cho cùng là trách nhiệm với từng thân phận con người trong xã hội” - bà Thư nhấn mạnh.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên