08/05/2019 09:48 GMT+7

Băng nhóm kinh doanh gas lộng hành, sang chiết lậu quy mô lớn

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Hoạt động kinh doanh gas đang cạnh tranh không lành mạnh khi có nhiều băng nhóm hoạt động bất hợp pháp nhằm tranh giành thị phần, gây nguy cơ mất an toàn và làm xáo trộn thị trường gas.

Băng nhóm kinh doanh gas lộng hành, sang chiết lậu quy mô lớn - Ảnh 1.

Người dân đi xem, lựa chọn và mua gas ở một đại lý cung cấp gas tại Q7, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Đông

Thông tin trên được ông Trần Minh Loan, phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, đưa ra tại hội thảo Những vấn đề cấp bách trong kinh doanh gas hiện nay do Hiệp hội Gas Việt Nam tổ chức ngày 7-5 tại Hà Nội.

Theo ông Loan, sản lượng tiêu dùng gas trong năm 2019 đạt khoảng 2,1 triệu tấn, song phần lớn thị phần tập trung vào 11 công ty khi phân phối khoảng 1,8 triệu tấn (gần 86%). Sự phát triển của ngành "có nhiều vấn đề", hệ thống phân phối thì "tầng tầng lớp lớp", công nghệ quản lý quản trị hạn chế. 

Đặc biệt, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thu giữ vỏ bình gas để sang chiết lậu diễn ra quy mô rất lớn, gây nên những nguy cơ cho người tiêu dùng.

"Hiện số lượng vỏ bình gas của toàn xã hội thừa khoảng 30-40% nhưng mỗi năm các công ty vẫn cho ra hàng triệu vỏ bình..." - ông Loan nói và cho biết thêm đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp ở một số vùng tự lập tổ chức, băng nhóm hoạt động bất hợp pháp để cạnh tranh không lành mạnh. 

Ông Loan công bố đánh giá: các nhóm kinh doanh không lành mạnh đang "lộng hành" chiếm tỉ trọng trên thị trường không nhỏ, lên tới 10-15%.

Theo ông Trần Trọng Hữu - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam, hiện có cả một "rừng thủ tục, giấy phép" trong kinh doanh gas được cơ quan quản lý đưa ra. 

Doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí để đảm bảo quy định... khi có tới 70 thủ tục, nhưng 70% nội dung trong các quy định bị trùng lắp, tạo nên nhiều giấy phép con.

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng một số quy định về kinh doanh gas thời gian qua đã được sửa đổi. Tuy nhiên, với những phản ảnh vừa qua của doanh nghiệp, ông Tuấn cho biết cảm thấy "sốc" khi liệt kê có tới 70 nhóm điều kiện pháp lý liên quan đến kinh doanh gas. 

Do đó, bên cạnh việc cắt giảm thủ tục và điều kiện kinh doanh, cần phải xác lập và bảo vệ quan hệ sở hữu, đặc biệt là sở hữu bình gas là tài sản doanh nghiệp với quy định rõ ràng hơn.

Ông Hoàng Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cũng cho biết nghị định 87/2018 về kinh doanh khí vừa được ban hành, sửa đổi nghị định 19 trước đó. Tuy nhiên, sau một năm đi vào thực thi đã bộc lộ những bất cập, nên ông Tuấn cho biết sẽ kiến nghị cấp trên để sửa nghị định 87.

Bảo kê, băng nhóm Bảo kê, băng nhóm 'mafia' trong kinh doanh gas chiếm đến 15%

TTO - Hoạt động kinh doanh gas đang cạnh tranh không lành mạnh khi có nhiều băng nhóm, tổ chức “mafia” hoạt động bất hợp pháp nhằm tranh giành thị phần, gây nguy cơ mất an toàn và làm xáo trộn thị trường gas.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên