Hoạt động kinh doanh gas đang có nhiều bất ổn - Ảnh: N.AN
Thông tin được ông Trần Minh Loan, phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, đưa ra tại hội thảo "Những vấn đề cấp bách trong kinh doanh gas hiện nay" do Hiệp hội Gas Việt Nam tổ chức sáng 7-5 tại Hà Nội.
Theo ông Loan, sản lượng tiêu dùng gas đã tăng lên, từ mức 180.000 tấn của năm 1997 lên mức khoảng 2,1 triệu tấn năm 2019, tuy nhiên, phần lớn thị phần tập trung vào 11 công ty khi phân phối khoảng 1,8 triệu tấn (gần 86%).
Sự phát triển của ngành, theo ông Loan, là "có nhiều vấn đề", khi hệ thống phân phối thì "tầng tầng lớp lớp" trong khi "công nghệ quản lý quản trị hạn chế".
Đặc biệt, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thu giữ vỏ bình gas để sang chiết lậu diễn ra quy mô rất lớn, gây nên những nguy cơ cho người tiêu dùng.
"Hiện số lượng vỏ bình gas của toàn xã hội thừa khoảng 30-40% nhưng mỗi năm các công ty vẫn cho ra hàng triệu vỏ bình. Hiện tượng cắt tai mài vỏ rất nhiều. Tình trạng thiếu công bằng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp, thiếu đầu tư đúng mức để đảm bảo an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn..." - ông Loan cho hay.
Đặc biệt, theo ông Loan, hiện đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp ở một số vùng tự lập tổ chức, băng nhóm hoạt động bất hợp pháp trên thị trường gas mà các băng nhóm này chiếm tỉ trọng không nhỏ lên tới 10-15%.
Ông Nguyễn Công Minh, giám đốc chi nhánh Bắc Bộ của Công ty CP Kinh doanh khí miền Bắc, thừa nhận kinh doanh gas ngày càng phức tạp khi "cá bé rỉa cá lớn" chứ không phải là "cá lớn nuốt cá bé".
Cụ thể là các hãng gas nhỏ tạo thành hội nhóm, kinh doanh thiếu lành mạnh và nâng giá làm nhiễu loạn thị trường, theo ông Minh.
Ông Trần Trọng Hữu, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết giới doanh nghiệp gas đang kinh doanh trong một "rừng thủ tục, giấy phép". Có khoảng 70 thủ tục như thế nhưng 70% nội dung của các quy định đó lại bị trùng lắp.
Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói rằng mình cảm thấy "sốc" trước con số 70 nhóm điều kiện pháp lý liên quan đến kinh doanh gas đó, dù trong thời gian qua đã có một số thủ tục được cắt giảm.
Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Kim Long ở Tiền Giang là ông Huỳnh Ngọc Quang bức xúc khi nói rằng từ năm 2006 đến nay đã có ba nghị định nhưng "thị trường vẫn không sạch hơn, an toàn hơn", còn thủ tục hành chính lại thành "thủ tục hành dân".
"Thị trường ngày nay có sáng sủa hơn 10 năm trước không? Không hề đẹp và sáng hơn nhưng thủ tục hành doanh nghiệp lại nhiều hơn. Căn cứ quy định nào thì quản lý thị trường cũng có thể lập biên bản xử phạt, có vô vàn cái để xử phạt. Mục tiêu soạn quy định để minh bạch thị trường và an toàn, chứ đừng đưa ra râu ria và giấy phép con, cuối cùng làm ăn chân chính lại bị phạt" - ông Quang nói.
Ông Hoàng Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công thương - cho biết Nghị định 87/2018 về kinh doanh khí vừa được ban hành, sửa đổi Nghị định 19 trước đó.
Tuy nhiên, sau một năm đi vào thực thi đã bộc lộ những bất cập, nên ông Tuấn cho biết sẽ kiến nghị cấp trên để sửa Nghị định 87.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận