29/08/2012 08:32 GMT+7

Những bức xúc từ bệnh viện

TIẾN THÀNH
TIẾN THÀNH

TT - Ba trong bốn bạn đọc nhận giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 7-2012 có điểm chung là đã gọi đến đường dây nóng của báo từ bức xúc của “người trong cuộc” khi đến bệnh viện.

FfUuEwBu.jpgPhóng to

Bạn đọc Trần Văn Chánh (phải) - người báo tin về vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của tám người trên quốc lộ 1A (Quảng Nam) sáng 21-7 - Ảnh: Tiến Thành

Và những bức xúc này đã giúp Tuổi Trẻ có những tin bài nóng được nhiều bạn đọc quan tâm như “Trả nhiều tiền được khám bệnh trước”, “Luộc phụ tùng ngay bãi giữ xe”, “Chẩn đoán hai thai, sinh ra một”.

Bị cạy cốp khi xe trong bãi

Tiền thưởng “tiếp sức” tân sinh viên

Bạn đọc Trần Văn Chánh (Quảng Nam) - người báo tin sớm nhất cho Tuổi Trẻ về vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của tám người trên quốc lộ 1A đoạn qua khối phố 5, thị trấn Núi Thành, Quảng Nam sáng 21-7 - là bạn đọc thứ tư nhận giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 7.

“Gia đình tôi là bạn đọc lâu năm của Tuổi Trẻ. Sau khi tai nạn xảy ra, tôi cùng người dân báo cơ quan chức năng. Sau đó, tôi báo tin ngay cho Tuổi Trẻ vì tin tưởng cách đưa tin nhanh nhạy của báo để cảnh báo về tai nạn thương tâm này” - anh Chánh kể.

Khi đại diện Tuổi Trẻ trao giải thưởng (1 triệu đồng), bất ngờ và cảm động, vợ chồng anh Chánh từ chối nhận vì muốn dành toàn bộ tiền thưởng cho em Nguyễn Thị Nguyên - cô tân sinh viên nghèo trú tại TP Quảng Ngãi trong bài viết “Mượn gạo quanh xóm, hái rau vệ đường” trên Tuổi Trẻ ngày 25-8.

Anh Chánh tâm sự: “Sáng nay vợ chồng tôi đọc Tuổi Trẻ và rất xúc động về hoàn cảnh khó khăn của các em tân sinh viên nhà nghèo. Tôi tặng lại số tiền thưởng cho em Nguyên với mong muốn góp một phần nhỏ để em vượt qua khó khăn, nỗ lực học đại học”.

Sáng sớm một ngày cuối tháng 4-2012, anh Bùi Thanh Phong (TP.HCM) điện thoại đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ phản ảnh việc nhiều người bị cạy cốp xe máy, mất tài sản tại bãi giữ xe của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Q.10, TP.HCM).

Từ những thông tin ban đầu đó, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đã vào cuộc tìm hiểu. Trong quá trình thâm nhập, nhóm phóng viên đã phát hiện nhiều vấn đề bất thường nên đã mở rộng điều tra trong thời gian dài, thu thập nhiều chứng cứ cho loạt tin bài về ““Luộc” phụ tùng ngay bãi giữ xe”. Loạt bài đã thu hút nhiều bạn đọc và có thêm nhiều người tiếp tục cung cấp thông tin liên quan đến vấn nạn này ở nhiều nơi để Tuổi Trẻ tìm hiểu tiếp.

Anh Phong nhớ lại: “Tôi vào thăm người nhà đang ở bệnh viện, ra bãi xe thì phát hiện xe bị cạy cốp lấy mất ví tiền. Trước đó vài ngày, anh trai tôi cũng bị mất cắp như thế. Tại sao bãi xe bệnh viện có người trông coi mà lại mất cắp như vậy khi việc mở cốp xe đâu có đơn giản? Nhiều người đã khổ khi vào chăm sóc người nhà nơi bệnh viện rất tốn kém, vậy mà còn bị ăn cắp đủ thứ! Tôi bức xúc quá liền điện thoại cho báo Tuổi Trẻ”.

“Ngày nào tôi cũng đọc báo Tuổi Trẻ nên thuộc luôn số đường dây nóng. Thấy nhiều vấn đề người dân bức xúc gọi đến, báo đã lên tiếng. Tôi nghĩ báo Tuổi Trẻ có thể lên tiếng việc lấy cắp này và cảnh báo cho mọi người cảnh giác. Không ngờ báo còn điều tra, vạch mặt được cả đường dây luộc xe” - anh Phong chia sẻ.

Công bằng cho người yếu thế

Tận mắt chứng kiến sự phân biệt đối xử giữa người khám dịch vụ và người khám bình thường ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Q.1, TP.HCM), bạn đọc Lê Thị Hồng (TP.HCM) không thể chịu đựng được. Cô kể dẫn cháu đi khám bệnh mà chờ mãi không đến phiên, quan sát xung quanh thấy nhiều người đến sớm vẫn chờ đợi quá lâu trong khi có người đến sau lại được khám trước. Hỏi thăm vài người, họ cho cô biết do khám trả tiền nhiều nên nhanh, còn khám thường phải đợi lâu, phải ngồi chờ.

Cô thắc mắc tại sao bệnh viện chỉ phục vụ khám chữa bệnh cho người nhiều tiền trước, còn người nghèo, ít tiền phải chờ đợi mỏi mòn trong khi họ đến trước? Sau buổi chờ đợi quá mệt mỏi cho cháu được khám bệnh, cô Hồng đem thắc mắc này giãi bày với Tuổi Trẻ để mong báo lên tiếng bênh vực cho người dân. “Tôi tin có vấn đề gì không tốt cho người dân thì báo Tuổi Trẻ luôn quan tâm, phản ánh để thay đổi nên đã phản ảnh với báo” - cô Hồng cho biết. Thắc mắc đau đáu của cô đã khiến phóng viên báo Tuổi Trẻ trăn trở. Sau nhiều ngày ghi nhận thực tế, phóng viên đã phản ánh tình trạng bất công này trong bài “Trả nhiều tiền được khám bệnh trước”. Từ bài viết này, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng cảm và lên tiếng đòi sự công bằng cho những người nghèo đi khám bệnh.

Bạn đọc Trần Võ Chí Tâm (TP.HCM) gọi đến Tuổi Trẻ cũng với mong muốn “đòi lại công bằng” cho gia đình anh. Anh Tâm là chồng của chị Trần Thị Kim Duyên, sản phụ trong bài viết gây xôn xao dư luận “Chẩn đoán hai thai, sinh ra một”. Anh Tâm cho hay khi vợ anh vào Bệnh viện khu vực Thủ Đức sinh được một bé gái, gia đình anh rất thắc mắc vì các kết quả siêu âm trước đó đều cho biết là song thai (một gái, một trai). Nỗi lo gia đình anh đã bị mất một cháu bé cứ đè nặng, anh Tâm phản ảnh đến báo Tuổi Trẻ đầu tiên và nhiều báo khác sau đó mong vụ việc được làm sáng tỏ. “Chúng tôi là người dân thường nên phải nhờ đến báo chí. Phải có báo chí tìm hiểu thì bên liên quan mới giải thích cho chúng tôi” - anh Tâm cho biết.

TIẾN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên