I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ: tự do
Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước như: khoáng sản, châu báu, rừng đại ngàn, phù sa, sông, bể, đất.
Câu 3. Câu hỏi tu từ: Còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?/Lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?
Hiệu quả: Khơi dậy niềm tự hào của mỗi người về tiềm lực của đất nước, gợi ra trách nhiệm của mỗi cá nhân với đất nước: phải làm sao đánh thức tiềm lực trong lòng đất để mặt đất không còn nghèo.
Câu 4. Bày tỏ sự đồng tình hoặc không đồng tình; lí giải hợp lí, thuyết phục về sự phù hợp/ không phù hợp giữa quan điểm của tác giả và thực tiễn ngày nay.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay:
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0.25đ): Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25đ): Sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay
c. Triển khai vấn đề nghị luận (1.0đ): Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Có thể theo hướng sau:
- Đất nước ta còn nghèo vì có rất nhiều tiềm lực chưa được khai thác và phát triển phù hợp. Là một công dân yêu nước, mỗi người phải có sứ mệnh khơi dậy, phát huy những tiềm lực của quê hương để tránh lãng phí tài nguyên.
- Đây vừa là cách bồi đắp những giá trị bản thân (về cả tri thức, kĩ năng, phẩm chất), tạo ra cuộc sống đầy đủ cho gia đình vừa là cách giúp đất nước ngày một giàu mạnh, sánh vai các nước trong khu vực và trên thế giới.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25đ): Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo (0.25đ): Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Câu 2: Nghị luận văn học (5 điểm): Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu). Từ đó, liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0.25đ): Mở bài giới thiệu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5đ): sự đối lập giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (truyện Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu); sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (truyện Hai đứa trẻ - Thạch Lam); cách nhìn hiện thực của hai tác giả.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, sự đối lập giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (0.5đ)
- Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (2.0đ):
* Đối lập là có tính chất trái ngược, đối chọi nhau. Đây là thủ pháp nghệ thuật quen thuộc trong nhiều tác phẩm, thể hiện qua việc tác giả tạo ra những điều (cảnh tượng, hành động, tính chất…) mang tính tương phản để làm nổi bật đặc điểm của các đối tượng miêu tả hay nội dung tư tưởng của tác phẩm,...
+ Vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa: đây là một cảnh đắt trời cho, một vẻ đẹp đơn giản và toàn bích mà cả đời bấm máy dường như nghệ sĩ Phùng chỉ có diễm phúc bắt gặp được một lần. Cảnh đẹp đến nỗi khiến anh bối rối, xúc động và hạnh phúc vô ngần.
+ Cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài: bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi, dáng vẻ cam chịu, nhẫn nhục, một gã đàn ông thô kệch, dữ dằn; gã đàn ông vừa đánh vợ một cách vô lí và tàn bạo vừa nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn, người đàn bà không hề kêu một tiếng, không chống trả cũng không tìm cách chạy trốn, đứa con chạy vụt tới để che chở cho người mẹ bằng cách giằng lấy chiếc thắt lưng để đánh lại người cha.
=> Nghệ thuật đối lập đã cho thấy sự tương phản giữa cái thiện và cái ác, giữa cái đẹp của cảnh vật và cái xấu của cuộc đời, giữa bề ngoài và bản chất bên trong của hiện thực.
- Liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả (1.0đ):
+ Liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu: cảnh phố huyện lúc đêm khuya đầy vẻ xác xơ, nghèo nàn, bóng tối bao trùm lên mọi vật, con người hiện ra như những kiếp sống nhỏ nhoi, lay lắt, mù tối; hình ảnh đoàn tàu mang đến một thế giới khác: rực rỡ, náo nhiệt, đầy ánh sáng => Nghệ thuật đối lập đã cho thấy sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, giữa kinh kì và thôn quê, giữa hiện thực và ước mơ,…
+ Nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả:
. Nếu Nguyễn Minh Châu đi sâu vào khám phá hiện thực cuộc sống ở nhiều lớp, nhiều tầng bậc khác nhau thì Thạch Lam lại chú trọng phản ánh sự khác biệt giữa thế giới hiện thực và thế giới mơ ước.
. Điểm gặp gỡ của hai nhà văn là đều có cái nhìn hiện thực đa diện, nhiều chiều, đều thấy được tương quan đối lập giữa cái đẹp và cái xấu, giữa bóng tối và ánh sáng. Các tác giả đã thương xót cho con người phải sống trong hiện thực u tối, khác với thế giới đẹp đẽ của ngoại cảnh (Chiếc thuyền ngoài xa), của ước mơ (Hai đứa trẻ), từ đó đặt ra vấn đề phải làm sao để cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn. Đây là biểu hiện của tấm lòng nhân đạo sâu sắc.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25đ): Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo (0.5đ): Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận