24/11/2015 08:40 GMT+7

Bậc đại học nghe giảng cũng... ngồi im!

THU PHAN
THU PHAN

TT - Tôi đọc bài về phương pháp dạy học năng động của cô giáo lớp 2 ở một trường tiểu học (bài “Đừng bắt trẻ phải ngồi im nghe giảng!”, Tuổi Trẻ ngày 
22-11) mà phát... thèm.

Nhân tiện với tư cách người học, tôi muốn góp một vài ý liên quan đến phương pháp dạy và học, nhưng là ở bậc đại học.

Lỗi do người học...

Hơn 30 tuổi đầu, hiện tôi vẫn “cắp sách đến trường” theo đuổi học hành (hệ văn bằng 2 chính quy) tại một trường đại học khá danh tiếng.

15 năm sau khi có tấm bằng cử nhân đầu tiên, tôi trở lại giảng đường (vẫn với vai trò người học) và nhận ra... mọi sự dường như không hề thay đổi. Có chăng bớt được cảnh đọc - chép triền miên nhờ các bài giảng đã được thầy cô đưa hết lên mạng, người học chỉ cần tải về, khỏi phải chép bài như xưa.

Còn lại vẫn như cũ. Nghĩa là sinh viên vẫn ngồi im một chỗ - “hoạt động” như một cỗ máy thu âm - “mở” hết các giác quan ra tiếp nhận kiến thức mà các giảng viên “mớm” cho, truyền cho từng chút một.

Một buổi học kéo dài gần ba giờ, hầu như chỉ có mỗi mình giảng viên làm việc. Phía dưới người học không một phản hồi. Và hình như giảng viên cũng không hào hứng lắm với phản hồi của học viên.

Hiếm hoi lắm mới có một cánh tay giơ lên nêu thắc mắc. Thật đáng thất vọng, thường thì thắc mắc chỉ dừng lại ở việc sinh viên chưa hiểu một khái niệm, định nghĩa nào đó - cái mà họ hoàn toàn có thể đọc trong sách hoặc giáo trình.

Và khi thắc mắc được giải đáp, dù chưa đầy đủ hoặc thậm chí có phần sai, người học cũng không buồn phản biện hay nghi ngờ. Họ sợ bị mang tiếng “chơi nổi” khi dám cãi lại giảng viên, hoặc vẫn trung thành với lối nghĩ “khôn độc không bằng ngốc đàn” vốn tồn tại trong một xã hội mà vai trò của cá nhân có phần bị xem nhẹ trước tập thể.

Cũng có những lớp học giảng viên chủ động khích lệ người học đóng góp xây dựng bài bằng nhiều cách, nhưng đáp lại nhiệt tình của giảng viên chỉ là thái độ im lặng đến ngột ngạt của cả lớp.

Việc đơn giản nhất là đặt câu hỏi để giảng viên làm rõ hơn vấn đề, sinh viên cũng ngại hỏi. Lý do thường thấy là “có biết gì đâu mà hỏi” (tức có quá nhiều thứ muốn hỏi vì cái gì cũng không biết, không hiểu nên ngại hỏi) hoặc có một vài thắc mắc rất muốn hỏi nhưng sợ mình “hỏi ngu” sẽ bị bạn chê cười.

Phương pháp giảng dạy “lấy người học làm trung tâm” đã thất bại vì những nguyên nhân rất... tào lao như vậy.

... Hay là do người dạy?

Một giảng viên kỳ cựu tại trường đại học cũng khá danh tiếng từng thẳng thắn nói với chúng tôi rằng có những người thầy rất tệ. Và ông đã chia sẻ một trong “bí quyết” của những người thầy đó, khiến một vài người trong chúng tôi hơi sốc.

Đó là dù bản thân thầy chưa hiểu thấu đáo những điều họ đang dạy (nghĩa là chưa đủ trình độ để dạy), nhưng vì lý do nào đó họ vẫn phải đứng trên bục giảng “làm đại”. Để tránh cho sinh viên thắc mắc và đặt câu hỏi, cùng lúc họ sẽ cung cấp thật nhiều kiến thức một cách không có hệ thống nhằm để người học rối đến mức không thể đặt bất kỳ câu hỏi nào.

Trong lớp văn bằng 2 mà tôi đang theo học, tôi may mắn được biết ba người đều là giảng viên tại các trường trung cấp, cao đẳng và có cả giảng viên đại học.

Có một bất ngờ nho nhỏ là cả ba người đều “khiêm tốn” thừa nhận việc họ phải chọn con đường đi dạy vì... không có việc gì khác để làm.

Có người còn hóm hỉnh nửa đùa nửa thật: không biết làm gì thì nên đi dạy! Nghe mà bất bình thay những người thầy đầy tâm huyết khác, vì tôi biết ngay tại ngôi trường tôi đang học vẫn còn có rất nhiều người thầy vô cùng tâm huyết, sáng tạo và rất giỏi nghề.

Một giảng viên trong lớp mà tôi đang theo học cũng từng xác nhận: do không tìm được việc nên phải đi dạy.

Ngoài việc bất bình thay những người thầy chân chính, tôi còn cảm thấy rất thất vọng khi đã bỏ tiền bạc và thời gian để sử dụng một dịch vụ (giáo dục) mà người trực tiếp cung cấp dịch vụ đó lại có thái độ coi thường khách hàng của họ như vậy.

Tôi tự đặt câu hỏi ngược lại: Hay là vì những “khách hàng” như tôi đáng bị coi thường?

Ở bậc đại học mà các cử nhân (tôi học lớp văn bằng 2 nên 100% sinh viên là cử nhân đại học) còn “ngồi im nghe giảng” như vậy thì nói gì đến các bé tiểu học đây?

THU PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên