Có khi lên Đà Lạt chẳng cần đi đâu nhiều, chỉ cần dạo hồ Xuân Hương...
Mấy hôm nay trời Sài Gòn nóng nực, tôi lại nhớ tới cái lạnh của miền cao nguyên. Tôi vào những fanpage về Đà Lạt trên Facebook để nhìn hình cho đỡ thèm.
Dòng chữ "Bà Năm mất cách đây ba ngày rồi em nhé!" - dòng thông báo của một fanpage đập vào mắt tôi.
Một anh bạn cũng đăng hình bà Năm với dòng chữ "Tối qua nghe tin mà nghiêng mình héo hắt…". Tôi vội vàng nhắn tin như để xác định lại những dòng chữ trên, anh bạn trả lời: "Đúng rồi em. Bà bệnh lâu rồi, lên Sài Gòn chữa nhưng không được. Mới mất cách đây mấy ngày".
Bà Năm là ai mà những người yêu Đà Lạt thương nhớ? Bà Năm là chủ quán cà phê vợt, có thời gian tròm trèm nửa thế kỷ ở đường Phan Bội Châu, thành phố Đà Lạt.
... đến chỗ Bà Năm để ăn miếng bánh, uống ngụm cà phê - Ảnh: THÀNH NHÂN VÕ
Người mộ điệu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ đến Tùng, như tìm về nơi chốn mà họ gặp nhau lần đầu tiên. Còn những ai yêu mến nhịp sống chùng chình, như sương khói của Đà Lạt đều đã từng đến, hoặc nghe đến quán cà phê của bà Năm.
Một buổi tối tháng tư oi bức cách đây 2 năm, tôi và vài người bạn đi xe máy lên Đà Lạt chơi. Cả nhóm thế nào cũng ghé ngồi ù lỳ ở chỗ Bà Năm để ăn miếng bánh, uống ngụm cà phê, rồi ngồi nhìn bà Năm dùng vợt pha cà phê. Có khi lên Đà Lạt chẳng cần đi đâu nhiều, chỉ dạo hồ Xuân Hương đón gió rồi ngồi quán bà Năm là đủ.
Vậy mà giờ đây chủ quán - người xưa, một nhân chứng sống ở thành phố đặc biệt này đã ra người thiên cổ.
Cà phê vợt của bà Năm - Ảnh: THÀNH NHÂN VÕ
Có hai thứ làm nên sự nhớ nhung của thành phố sương mù, đó là con người và kiến trúc.
Du khách bị mê hoặc bởi hình ảnh ngọn tháp trường Cao đẳng Đà Lạt, tháp của nhà thờ Con Gà ẩn hiện trong sương… Người địa phương thì vui vẻ, hiền lành và không kém phần trầm lặng - cảnh như người, người như cảnh.
Những "di chỉ sống", những người gắn bó, tạo dựng nét đặc biệt của Đà Lạt ngày một mất dần và sẽ không bao giờ tìm lại được. Họ chỉ còn qua hình ảnh, qua lời kể và sự nhớ nhung của những người từng biết đến họ.
Người ở lại chỉ biết ngậm ngùi, nhớ mãi, và thở dài. Bởi "di chỉ sống" muốn giữ cũng chẳng được, vì đó là quy luật tạo hóa.
Nhưng khi tỉnh Lâm Đồng công bố bản quy hoạch trung tâm TP Đà Lạt, nhiều người khá bất ngờ, thậm chí nổi giận vì khu hòa Bình sẽ bị giải tỏa. Vì những nhân chứng sống của Đà Lạt dần mất đi, còn những di sản hiện hữu như khu Hòa Bình chẳng lẽ chúng ta không thể giữ lại?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận