05/07/2019 10:54 GMT+7

ASEAN - Úc: láng giềng xa, đối tác gần

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Úc là một trong bốn thành viên của “bộ tứ kim cương” bên cạnh Nhật, Mỹ và Ấn, đóng vai trò trụ cột trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được cho là thách thức sự nổi lên của Trung Quốc trong khu vực.

ASEAN - Úc: láng giềng xa, đối tác gần - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne tại buổi hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh vào sáng 12-6 ở Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Úc nhấn mạnh ASEAN có vai trò thiết yếu trong bất cứ thảo luận và hoạch định về tương lai khu vực. Tuy nhiên, ASEAN cần phải đoàn kết để có thể duy trì tính trung tâm và vai trò hiện có của mình. Úc cụ thể hóa chính sách của mình bằng việc tăng cường hợp tác cụ thể với nhiều quốc gia trong khu vực.

Nhà nghiên cứu LỤC ANH TUẤN bình luận với Tuổi Trẻ

Tháng 6 năm nay, phóng viên Tuổi Trẻ là một trong 7 nhà báo ASEAN được Bộ Ngoại giao và thương mại Úc (DFAT) mời đến Úc để tìm hiểu về tầm nhìn của nước này đối với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy - IPS).

Song trùng lợi ích

Úc sớm đưa ra sự ủng hộ của mình với khái niệm địa chính trị IPS. Canberra nhanh chóng định hình tầm nhìn của mình trong Sách trắng ngoại giao và quốc phòng cuối năm 2017, cũng như trong phát biểu của các lãnh đạo cấp cao.

"Chúng tôi có nhiều lợi ích lớn trong khu vực. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực và không chấp nhận bất cứ hành động đơn phương nào làm gia tăng căng thẳng trong khu vực" - một quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ.

"Chúng tôi ủng hộ một khu vực nơi ASEAN duy trì vai trò trung tâm và giúp thiết lập các luật lệ và thông lệ cho các hành vi trong khu vực" - quan chức này nói.

Sách trắng của Úc cũng đề cập trực diện sự cạnh tranh chiến lược đang gia tăng giữa các cường quốc, cụ thể là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Khu vực Đông Nam Á có thể sẽ tích lũy được một số lợi ích từ sự ganh đua đang gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, vai trò trung tâm và các lợi ích cốt lõi của ASEAN cũng sẽ bị thách thức nếu sự ganh đua này ngày một leo thang.

Trong văn bản "Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN" dài 23 trang được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Thượng đỉnh ASEAN ở Thái Lan tháng rồi, có một đoạn đáng chú ý: "ASEAN nằm ở trung tâm của sự nổi lên của các thế lực tài nguyên, như kinh tế và quân sự, từ đó đặt ra yêu cầu tránh khiến sự nghi kỵ trở nên sâu sắc hơn, tránh tính toán sai lầm và các hành vi dựa trên trò chơi có tổng số bằng không". 

Điều này cho thấy các nước ASEAN vẫn còn lưỡng lự trong việc ủng hộ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn có thể làm phật lòng Trung Quốc.

Tuy nhiên, tầm nhìn của ASEAN giúp tái khẳng định cam kết của các nước thành viên đối với tính trung tâm và thống nhất của ASEAN, và thúc đẩy sự phát triển kinh tế và một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, tuân theo luật pháp quốc tế.

Đây là điểm song trùng lợi ích với Úc khi nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc duy trì một khu vực ổn định và thịnh vượng.

Vai trò của Việt Nam

Bộ trưởng Ngoại giao Úc, bà Marise Payne, vừa có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến 13-6.

Trong cuộc hội đàm với Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Marise Payne khẳng định Úc coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt ở khu vực Đông Nam Á và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước, trong cả khuôn khổ song phương và đa phương. Bà Payne cũng nhấn mạnh Úc đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực và trong ASEAN, ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Lục Anh Tuấn tại Đại học New South Wales ở Canberra cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Úc nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược (3-2018) và đối tác toàn diện chiến lược với Indonesia (8-2019). "Rõ ràng Việt Nam nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của Úc. Úc ngày càng nhận ra tầm ảnh hưởng và vai trò của Việt Nam trong ASEAN và một số thể chế quốc tế" - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, dù tiềm lực còn hạn chế, thông qua chính sách ngoại giao tích cực và khôn khéo, Việt Nam đã thúc đẩy tốt lợi ích và ảnh hưởng của mình. Việt Nam có thể hỗ trợ Úc thúc đẩy hợp tác sâu hơn với ASEAN.

"Tôi cho rằng đây là một bước đi thực tế và khôn khéo của Úc. Canberra hiểu mình chỉ là cường quốc tầm trung và ngày càng quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc gây bất ổn tại khu vực, đặc biệt là thách thức trật tự khu vực dựa trên các luật chơi chung đã ổn định kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Việc Việt Nam lần thứ 2 trở thành ủy viên không thường trực HĐBA LHQ sẽ nâng thêm tầm quan trọng của Việt Nam trong các tính toán chiến lược của Úc. Tất nhiên, Việt Nam cần có những tính toán và bước đi cụ thể để duy trì sức nặng trong tính toán chiến lược của Úc trong dài hạn" - ông Tuấn kết luận.

Các điểm cốt lõi của Sách trắng

Theo Sách trắng, Úc ủng hộ một sự cân bằng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tạo thuận lợi cho các lợi ích của nước này và thúc đẩy một khu vực an ninh, mở, bao trùm, thịnh vượng và tự cường.

Canberra ủng hộ một khu vực nơi các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế mà không có đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay cưỡng ép; một khu vực nơi các thị trường mở, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, các dịch vụ, vốn và ý tưởng.

Nước này cũng ủng hộ một khu vực nơi các quyền tự do hàng hải và hàng không được tuân thủ, và các quyền lợi của các nước nhỏ được tôn trọng, trong đó luật pháp, các thông lệ và quy tắc được áp dụng.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên